Chứng khoán ngày 9/5, thị trường tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh rung lắc mạnh khi VN30 gặp vùng giá cao nhất ngày 15/4/2024, cũng như VN-Index gặp vùng giá cao nhất năm 2023. Đầu phiên VN-Index tăng điểm nhẹ lên vùng 1.255 điểm và chịu áp lực rung lắc biến động trong biên độ hẹp quanh vùng giá 1.250 điểm.
Sau 6 phiên liên tục tăng điểm, kết phiên VN-Index giảm 1,82 điểm (-0,15%) về mức 1.248,64 điểm. HNX-Index tích cực hơn tăng nhẹ 0,06 điểm (+0,03%) lên mức 234,58 điểm.
Độ rộng thị trường trên 2 sàn giao dịch nghiêng về tiêu cực với áp lực điều chỉnh gia tăng mạnh hơn khi VN-Index có giai đoạn phục hồi tốt với 330 mã giảm giá (9 mã giảm sàn), 277 mã tăng (20 mã tăng trần) và 132 mã giữ giá tham chiếu.
Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết đạt 21.664 tỷ đồng, giảm 15,98% so với phiên trước, dưới mức trung bình. Cho thấy áp lực điều chỉnh tương đối bình thường sau phiên khớp lệnh thanh khoản gia tăng mạnh trong phiên trước.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trên HOSE với giá trị 1.699,14 tỷ đồng, chủ yếu do giao dịch bán thỏa thuận đột biến ở VHM; duy trì mua ròng trên HNX với giá trị 22,762 tỷ đồng, tập trung mua ròng khá tốt ở IDC.
Nhóm cổ phiếu xuất khẩu, thủy sản đã có diễn biến tích cực với thông tin trên khi hầu hết tăng giá mạnh từ đầu phiên, thanh khoản gia tăng đột biến, nổi bật như MPC (+3,66%), FMC (+3,47%), CMX (+2,35%), VHC (+2,08%)... hay VCS (+3,0%), ACG (+2,8%)...
Các cổ phiếu dầu khí vẫn duy trì diễn biến tích cực, mức độ phân hóa hơn, nổi bật ở nhóm vận tải dầu khí với PVP (+3,59%), PVT (+3,02%), PPT (+2,61%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản dưới mức trung bình như CNG (-2,03%), PVS (-1,16%), BSR (-1,04%)...
Các cổ phiếu ngân hàng sau diễn biến phân hóa kém tích cực, nhiều mã có diễn biến tích cực trở lại, tăng giá tốt với thanh khoản khá đột biến như VAB (+8,60%), BVB (+6,03%), TPB (+2,25%)... ngoài các mã chịu áp lực điều chỉnh, thanh khoản giảm ở mức trung bình như VBB (-5,51%), HDB (-1,66%), LPB (-1,48%)...
Trong khi đó các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán đa số chịu áp lực điều chỉnh tích lũy trở lại, thanh khoản suy giảm dưới mức trung bình như BVS (-2,62%), BSI (-1,80%), VND (-1,44%), VIX (-1,43%).... ngoài APS (+9,09%), BMS (+4,00%)...
Các nhóm ngành khác như bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, thép, bán lẻ, khu công nghiệp.. đa số chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản suy giảm khá mạnh so với phiên trước, thể hiện áp lực điều chỉnh tương đối bình thường. Trong khi các cổ phiếu công nghệ viễn thông tiếp tục có diễn biến vượt trội so với thị trường chung khi nhiều mã vẫn tăng giá tốt như CMG (+ 6,95%), FOX (+5,55%), VTP (+3,25%)...ngoài VGI (-3,43%), ELC (-1,25%)...
Mua thăm dò ở những mã có kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý 1
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)
VN-Index đóng cửa điều chỉnh nhẹ sau 6 phiên tăng điểm trước đó. Nhịp điều chỉnh không quá mạnh và thanh khoản không lớn nên xu hướng hồi phục vẫn chưa bị phá vỡ. Ngưỡng kháng cự quanh mốc 1.265 điểm vẫn có thể được VN-Index test trong các phiên tới.
Mặc dù vậy, đây là thời điểm mà áp lực chốt lời có khả năng dâng cao, nên vẫn cần thận trọng cho vị thế mua mới, chỉ ưu tiên mua thăm dò ở những mã cổ phiếu có kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý 1/2024 khi thị trường chung có nhịp chỉnh.
Trong trường hợp thị trường tăng lên ngưỡng quanh 1.265 điểm, chúng tôi tiếp tục ưu tiên vị thế căn bán.
Tránh mua đuổi trong các nhịp tăng điểm
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)
Chỉ số VN-Index hình thành mẫu nến “Spinning” thân dài và biên độ nến tương đối rộng cho thấy sự giằng co dữ dội giữa bên mua vào bên bán. Áp lực rung lắc có dấu hiệu gia tăng cường độ hơn khi các cổ phiếu trụ dần chuyển sang trạng thái suy yếu.
Nhiều khả năng VN-Index sẽ sớm gặp phải thử thách kế tiếp tại vùng cản quanh 1.260 (+/-10) điểm, vốn được xem là chốt chặn quan trọng cần vượt qua để có thể củng cố thêm cơ hội vượt vùng đỉnh 1.29x điểm.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp tăng điểm, tiếp tục bán giảm tỷ trọng các vị thế trading khi chỉ số tiếp cận vùng cản và chỉ trải lệnh mua trở lại từng phần trong nhịp điều chỉnh sau đó.
Thị trường cần sự ủng hộ của dòng tiền hơn
Chứng khoán BIDV (BSC)
VN-Index chưa thể vượt qua ngưỡng 1.250 trong ngày hôm nay. Sau một ngày giằng co chỉ số đóng cửa tại mốc 1.248,64 điểm, gần như đi ngang so với hôm qua.
Độ rộng nghiêng về phía tiêu cực với 9/18 ngành giảm điểm, trong đó, ngành thực phẩm và đồ uống dẫn đầu đà giảm. Ở chiều ngược lại, ngoại trừ ngành du lịch & giải trí và truyền thông, các ngành khác chỉ tăng chưa đến 1%.
Trong những phiên giao dịch tới, thị trường cần sự ủng hộ của dòng tiền hơn để có thể chinh phục vùng 1.250-1.260 điểm này.
Xu hướng hồi phục và tăng giá của thị trường vẫn còn bị bỏ ngỏ
Chứng khoán AIS
Thị trường chứng kiến sự giằng co liên tục giữa bên mua và bên bán. Sắc xanh được duy trì từ thời điểm mở cửa cho tới cuối phiên sáng khi áp lực chốt lời quay trở lại. Phiên chiều chỉ số biến động trong biên độ hẹp quanh tham chiếu.
Dòng tiền tiếp tục có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Trong khi nhóm hóa chất tiếp tục là nhóm thu hút dòng tiền nhất thì ở chiều ngược lại, động thái giằng co tiếp tục xuất hiện nhiều ở nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép, xây dựng…
Như đã khuyến nghị, chỉ số VN-Index tiếp tục biến động quanh vùng kháng cự 1.250 điểm (giá trị đường MA50 ngày). Tại vùng này, tâm lý thận trọng vẫn sẽ thể hiện rất rõ.
Thanh khoản chưa bùng nổ cho thấy xu hướng hồi phục và tăng giá của thị trường vẫn còn bị bỏ ngỏ.
Trên khung đồ thị ngày, chỉ báo RSI tiếp tục ở trong vùng trung tính. Trong những phiên tiếp theo, VN-Index vẫn còn có thể xuất hiện tiếp những điều chỉnh nhẹ. Hỗ trợ gần nhất là vùng 1.230 điểm.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.