Thị trường chuyển nhượng sau World Cup 2018

Việc siêu sao Cristiano Ronaldo (CR7) cặp bến "Bà đầm già” trong mùa hè này được xem là tín hiệu khởi đầu đáng giá trên thị trường chuyển nhượng vốn được dự báo sẽ xảy ra nhiều bất ngờ, đặc biệt sau k

Hậu CR7 là ai?

Một ngày sau khi FIFA World Cup 2018 kết thúc, CR7 đến thành Turin ra mắt đội bóng mới sau gần chục năm gắn bó với CLB Hoàng gia Real Madrid. Juventus phải chi ra 100 triệu euro để có được chữ ký của CR7. Đây là giá phí chuyển nhượng cao nhất dành cho một cầu thủ trên 30 tuổi.

Sự ra đi của Ronaldo được nhận định sẽ "kích hoạt" một thương vụ bom tấn khác sau World Cup. Với vị thế của đội bóng đương kim vô địch châu Âu, Real Madrid chắc chắn sẽ tìm một nhân tố thay thế xứng đáng Ronaldo, cả về tài năng trên sân cỏ lẫn giá trị thương mại.

Neymar của Paris Saint-Germain (PSG) được xem là ứng viên số 1. Sau khi CR7 ra đi, truyền thông Tây Ban Nha đã rộ lên thông tin Neymar sẽ đến Real với bản hợp đồng trị giá 300 triệu euro.

Trước mắt, để ngăn Neymar đến Real, PSG đã quyết định tăng lương cho anh. Hiện tại mức lương cầu thủ người Brazil nhận tại PSG là 37 triệu euro/năm (sau thuế). Con số này chỉ kém mỗi Messi (46 triệu euro/năm).

Ngoài Neymar, một số ứng viên khác được nhắm đến thay CR7 gồm Kylian Mbappe, Eden Hazard và Harry Kane. Dù ai về đội bóng Hoàng gia, đó sẽ là thương vụ đình đám với giá chuyển nhượng có thể lớn nhất từ trước đến nay. Bởi ba nhân tố này đều chơi tốt tại World Cup 2018. Mbappe là cầu thủ trẻ nhất đầu tiên ghi 2 bàn tại 1 trận knock-out sau Pele năm 1958.

Hè năm 2017, Mbappe chuyển sang khoác áo PSG từ Monaco với giá ước tính trên 180 triệu euro. Trong khi đó Kane có giá thị trường đã 150 triệu euro và cộng với việc ghi 6 bàn tại World Cup 2018, hồ sơ của chân sút này gần như hoàn hảo để phá mọi kỷ lục chuyển nhượng.

Không nên mua cầu thủ sau World Cup?

Theo Simon Kuper của ESPN, việc mua một "ngôi sao World Cup" sẽ làm hài lòng người hâm mộ và giới truyền thông, nhưng đa phần các CLB đều sẽ hối hận sau đó.

Ngay cả cựu huấn luyện viên lừng danh của Manchester United - Sir Alex Ferguson cũng rơi vào bẫy. Trong hồi ký, ông tiết lộ luôn cảnh giác với việc mua cầu thủ sau khi chơi tốt tại một giải đấu lớn. Sự cảnh giác ấy xuất hiện sau EURO 1996, khi Fergie quyết định chiêu mộ Jordi Cruyff và Karel Poborsky - những hợp đồng bị đánh giá thất bại.

World Cup không phản ánh hết khả năng của các cầu thủ. Đôi khi việc khoác áo đội tuyển quốc gia giúp họ có động lực và sự chuẩn bị tốt hơn. Một giải đấu ngắn, 4 năm mới diễn ra một lần không thể nào đánh giá chính xác hiệu suất của người chơi. Điều quan trọng là khả năng duy trì phong độ và thích ứng với lối chơi của đội bóng.

Việc mua sắm "thông minh" nhất đi ngược lại với logic thông thường. Đó là hãy đặt vấn đề khi một cầu thủ chơi thảm hại. Barcelona đã nhanh chân chiêu mộ Luis Suarez từ Liverpool sau World Cup 2014 với giá 65 triệu bảng. Đó là thời điểm tiền đạo này bị treo giò khi cắn Chiellini của Ý. Về xứ Catalonia, anh góp công lớn giúp Barcelona có 11 danh hiệu, đáng chú ý là 3 chức vô địch quốc gia Tây Ban Nha cùng một lần lên ngôi UEFA Champions League.

Các CLB lớn của châu Âu đã có kinh nghiệm hơn khi mua sao World Cup. Chắc chắn sau giải đấu tại Nga, những Hirving Lozano (Mexico), Benjamin Pavard (Pháp) hay Aleksandr Golovin (Nga) được các CLB lớn nhắm đến. Tuy nhiên, nhu cầu dành cho họ ngang nhau khi không có World Cup.

Hậu vệ phải Pavard được Bayern Munich nhắm đến không vì tỏa sáng trên đất Nga hay vì siêu phẩm vào lưới Argentina. Nguyên nhân chính bởi anh đã chơi rất hay trong mùa áo Stuttgart tại Bundesliga. Tạp chí Kicker của Đức nhấn mạnh thương vụ này đã chốt xong từ cuối mùa giải trước.

Theo nhà môi giới cầu thủ người Argentina - Horacio Patanian, các CLB hiện tại gần như biết tất cả về cầu thủ từ khả năng, kỹ năng, điểm yếu, giá cả thị trường, tình trạng hợp đồng. Vì thế, họ không dại mua ai đó chỉ vì chơi tốt ở một giải đấu ngắn.

Các CLB hàng đầu thế giới không phải chờ đến World Cup mới hoạt động trên thị trường chuyển nhượng. Vì thế những bản hợp đồng đình đám của họ phần lớn diễn ra trước World Cup hoặc đó là những mục tiêu họ đã theo dõi suốt thời gian dài.

Ví dụ như Manchester United mua Fred sau thời gian dài đàm phán, còn Man City mua Riyad Mahrez với giá 60 triệu bảng sau một thời gian theo đuổi. Bản thân Mahrez cũng không liên quan đến World Cup vì đội tuyển Algeria của anh không vượt qua được vòng loại. Còn Liverpool chiêu mộ Xherdan Shaqiri (Thụy Sĩ) bởi đã biết rõ khả năng của tiền vệ này khi còn khoác áo Stoke City.

Dĩ nhiên vẫn có những ngoại lệ. Trung vệ người Úc Trent Sainsbury tự tạo ra cơ hội thi đấu thường xuyên tại châu Âu khi chơi rất tốt ở trận đội nhà thua Pháp tại vòng bảng. Người đại diện của anh tiết lộ chỉ sau 30 phút thi đấu, 26 lời đề nghị đã được gửi đến Sainsbury.

Có thể bạn quan tâm