Thiên Thuỷ Mộc - Menard nợ gần 2,5 tỷ tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm khác

Công ty TNHH Thương Mại Thiên Thủy Mộc chuyên phân phối sản phẩm mỹ phẩm Menard chậm đóng 6 tháng tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm khác...

Thiên Thủy Mộc chuyên phân phối sản phẩm mỹ phẩm Menard

Bảo hiểm xã hội Khu vực 1 vừa công bố danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tại nạn lao động – bệnh nghề nghiệp từ 2 tháng trở lên trên địa bàn thành phố Hà Nội tháng 6/2025.

Trong danh sách này có Công ty TNHH Thương Mại Thiên Thủy Mộc (mã số thuế: 0106239831). Theo đó, Thiên Thủy Mộc đã chậm đóng gần 2,5 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm khác, thời gian chậm đóng là 6 tháng.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Thương Mại Thiên Thủy Mộc được thành lập vào tháng 7/2013. Người đại diện pháp luật là ông Khương Anh Văn. Doanh nghiệp này chuyên phân phối sản phẩm mỹ phẩm Menard.

Vào năm 2017, một loạt sản phẩm của Thiên Thủy Mộc bị Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đình chỉ lưu hành và thu hồi. Cụ thể, Cục Quản lý dược đình chỉ lưu hành và thu hồi 12 loại mỹ phẩm của doanh nghiệp này: Menard Embellir Liquid A, Menard Embellir Washing Ak, Menard Saranari Day Cream B, Menard Saranari Refresh Massage B, Menard Saranari Washing Cream B, Menard Saranari Emulsion B, Menard Saranari Night Cream B, Menard Saranari Eye Cream B, Menard Fairlucent Base Essence A, Menard Fairlucent Day Cream White B, Menard Jupier Cream Foundation 41, Menard Jupier Liquid Foundation 51…

Quay trở lại với việc nợ bảo hiểm, việc doanh nghiệp nợ, chậm đóng các loại bảo hiểm cho người lao động khiến quá trình tích lũy thời gian đóng bảo hiểm, ảnh hưởng đến khả năng khám chữa bệnh, nhận trợ cấp thất nghiệp, thai sản, và cả chế độ hưu trí sau này…

Theo khoản 2 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, hành vi chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bị pháp luật đặc biệt nghiêm cấm. Đơn vị đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chậm quá thời hạn theo quy định từ 30 ngày trở lên thì phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền bảo hiểm chưa đóng

Bên cạnh việc phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng doanh nghiệp còn có thể bị phạt tài chính nếu chậm đóng bảo hiểm xã hội.

Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, sẽ phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:

Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.

Còn nếu người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm thì sẽ bị phạt gấp đôi từ 24% - 30% tổng số tiền bảo hiểm phải đóng nhưng không quá 150 triệu đồng.

Có thể bạn quan tâm