Dịp 25 năm tác phẩm ra đời, trở lại rạp với định dạng 4K từ ngày 10/2, nhiều câu chuyện hậu trường của phim gây chú ý với khán giả. Tác phẩm của đạo diễn James Cameron đã giành 11 tượng vàng Oscar 1998, trong đó có giải Thiết kế phục trang xuất sắc cho Deborah Scott.
Trailer phim 'Titanic'
Trailer "Titanic" 1997. Video: 20th Century Fox
Nhà thiết kế Deborah Scott cho biết nhóm 50 người mất 365 ngày để làm trang phục cho dàn diễn viên. "Cameron thực sự muốn phim trở nên chân thực và ấn tượng nhất có thể. Chúng tôi có khoảng một năm để chuẩn bị và thực hiện, điều dường như không tưởng vào thời điểm đó", bà nói với Glamour.
Ban đầu, một nhóm bốn, năm người đi khắp nơi để thu thập quần áo vintage. Dần dần, cả đoàn tăng lên 45-50 người thay nhau làm các khâu để hoàn thành kịp tiến độ. Họ có một nhà kho khổng lồ chứa các tủ quần áo, khu vực làm tóc và trang điểm, thay đồ với quy mô mà Scott nói là "đáng kinh ngạc".
Phần lớn trang phục đều được sản xuất giống những phiên bản chính xác ngoài đời ở thập niên 1910, phần còn lại là đồ phục chế từ bản gốc. Những mảnh vải, đăng ten hoặc hạt cườm cũ được sửa chữa tối đa. Scott đã dày công nghiên cứu thời trang ở giai đoạn này. Bà tìm hiểu việc phụ nữ đeo găng tay ra sao, mặc áo nịt ngực thế nào, thay quần áo bao nhiêu lần một ngày, cách cư xử trên bàn ăn lẫn phong thái.
Variety cho rằng các thiết kế thời trang dành cho Rose (Kate Winslet) đều đẹp mắt và kinh điển, tạo dấu ấn thời trang trong phim. Ở lần đầu xuất hiện, khi bước ra từ xe hơi, Rose mặc bộ váy trắng kẻ sọc được làm giống hệt một thiết kế trên tạp chí thời trang Pháp năm 1912. Cảnh quay từ trên cao, bắt từ đôi chân rồi tới gương mặt, được đánh giá là màn giới thiệu nhân vật cùng trang phục xuất sắc.
Bộ váy suit màu trắng của Rose (phải) được làm giống một thiết kế trên tạp chí Pháp năm 1912. Ảnh: Pinterest
Cameron yêu cầu chiếc mũ rộng vành phải càng lớn càng tốt sao cho đúng với thời kỳ ấy. "Đó là biểu tượng của sự giàu có và chúng tôi đã làm chiếc mũ to hết mức có thể nhưng không lố bịch", Scott nói với CR.
Chiếc váy Rose mặc trong lần đầu trò chuyện với Jack (Leonardo DiCaprio) được xếp vào nhóm những bộ trang phục kinh điển của màn bạc, được định giá 300.000 USD về sau. Nhà thiết kế cho biết bộ đầm là thử thách lớn cho đội ngũ làm phục trang. Váy từng được may 24 lần trên nhiều loại vải để tìm ra phiên bản hoàn hảo nhất khi khô lẫn ướt.
Kết quả, cả nhóm chọn chiếc đầm voan màu đỏ anh đào và đen, đính đá với nhiều chi tiết nhỏ phát ra tiếng leng keng mỗi lần di chuyển. Trong phân cảnh này, khác vẻ đài các, tươm tất trước đó, Rose xõa tóc, tháo găng tay và cởi giày, báo hiệu nhân vật thoát khỏi quy tắc, luật lệ của giới thượng lưu để tìm đến thế giới tự do của Jack.
Bộ đầm đỏ và giày buộc dây của Rose trong lần đầu gặp Jack. Ảnh: Heritage Auctions
Theo CR, Cameron rất quan tâm bộ váy nhân vật Rose mặc khi tàu chìm. "Ông ấy muốn đảm bảo bộ váy trông thật đẹp khi ở dưới nước. Nhưng không thể nào giống bộ váy đỏ như khi đi chơi với Jack vì nó khá chật và Kate sẽ không thể di chuyển được", Scott nói. Cuối cùng, cả nhóm thực hiện bộ đầm voan màu pastel mỏng nhẹ, nhấn bằng phần vải nhuộm màu hồng và tím. James Cameron không chỉ viết kịch bản, đạo diễn, làm nhà sản xuất, mà còn thiết kế chiếc dây chuyền Trái tim đại dương nổi tiếng của nhân vật Rose.
Phần cuối phim, tất cả diễn viên phụ đều mặc đồ lặn bên trong trang phục chính để quay cảnh dưới nước. Nhà thiết kế nói: "Điều này làm tình hình trở nên hỗn loạn và khó khăn. 700 người ở dưới nước và chúng tôi phải may áo phao cho họ, không phải lúc nào may một lần là xong". Cả nhóm còn chuẩn bị tủ sưởi công suất cao để giúp quần áo nhanh khô, phục vụ cho các cảnh quay liên tục.
Chuyện tình lãng mạn của Rose và Jack trong Titanic là một trong những tình sử kinh điển của điện ảnh Hollywood. Ảnh: Paramount Pictures
Theo Glamour, phần thiết kế phục trang ghi điểm tuyệt đối, nhưng phim mắc lỗi sai về phong cách trang điểm. Trong những năm 1910, việc trang điểm không được xã hội chấp nhận, nhất là với tầng lớp thượng lưu. Những người làm đẹp cho gương mặt của mình bị gọi là "những quý cô được tô vẽ", giống các kỹ nữ hoặc diễn viên, không được coi trọng.
Sao Mai