Thông tư 14: Bệnh viện có thể lựa chọn giá đấu thầu trang thiết bị y tế

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 14/2023/TT-BYT cho phép bệnh viện công lập thực hiện xây dựng giá gói thầu mua hàng hóa, vật tư, trang thiết bị y tế…

Thông tư 14/2023/TT-BYT của Bộ Y tế được cụ thể hoá Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập.

Theo ông Dương Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), Thông tư 14 được ban hành ngày 30/6 có hiệu lực trong 6 tháng, từ ngày 1/7 đến ngày 31/12/2023.

Do đó từ 1/1/2024, Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực thi hành và các đơn vị liên quan sẽ xây dựng các văn bản mua sắm đặc thù trong lĩnh vực y tế để đưa chính sách được ổn định lâu dài và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Với Thông tư 14, khi xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế, chủ đầu tư sẽ xác định giá gói thầu theo một trong các phương pháp sau đây:

Đầu tiên, thu thập báo giá do các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế cung cấp. Thêm vào đó, khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Cuối cùng, kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp thẩm định giá.

Thông tư 14/2023/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 đến hết năm 2023

Khi xây dựng giá gói thầu, Thông tư quy định chủ đầu tư quyết định việc thành lập Hội đồng hoặc đề nghị Sở Y tế hỗ trợ thành lập Hội đồng để lựa chọn danh mục.

Như vậy, bệnh viện có thể lựa chọn giá tham gia đấu thầu cao nhất, nếu giá này phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn của mình. Trước đây, họ chỉ được lấy giá thấp nhất để xây dựng giá kế hoạch. 

Đối với trường hợp trên thị trường Việt Nam chỉ có 1 hoặc 2 nhà cung cấp hoặc để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền hoặc cần triển khai ngay, các bệnh viện được phép gửi trực tiếp yêu cầu báo giá đến nhà cung cấp.

Cùng với đó, phương pháp xây dựng giá gói thầu theo kết quả khảo sát giá trúng thầu của hàng hóa, dịch vụ tương tự, chủ đầu tư thực hiện rà soát kết quả trúng thầu đã được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tối đa không quá 120 ngày tính từ ngày trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Mặc khác, phương pháp xây dựng giá theo kết quả thẩm định giá, chủ đầu tư thực hiện lựa chọn đơn vị thẩm định giá, được sử dụng kết quả do cơ quan thẩm định giá cung cấp để xây dựng giá gói thầu.

PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng Thông tư 14 là văn bản quan trọng, đã tháo gỡ được khó khăn cấp bách liên quan tới việc xác định giá của các gói thầu tại các bệnh viện công lập.

Vì vậy, những vấn đề này được giải quyết, chỉ cần 1-2 báo giá, các cơ sở y tế vẫn có thể làm giá gói thầu. “Trước đây, nếu chúng tôi phải tìm nơi bán giá thấp nhất để mua, không mua được vật tư thuốc tốt nhất để dùng cho người bệnh. Giờ với Thông tư 14, các cơ sở y tế có thể mua được vật tư, thiết bị y tế với giá cao nhất”, ông Cơ nhận định.

Có thể bạn quan tâm