Nhằm tiếp tục thực hiện sứ mệnh vì sức khỏe cộng đồng và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị trong kiểm soát hiệu quả bệnh Hen phế quản và bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), FPT Long Châu đã phối hợp cùng GSK và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch triển khai chương trình “Đừng thỏa hiệp với Hen phế quản và bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính”.
Trong chương trình này, thông điệp về tầm quan trọng của tuân thủ điều trị được nhấn mạnh và trình bày xuyên suốt, từ các thông tin khoa học cho đến lời khuyên của chuyên gia.
Đặc biệt, ngoài cung cấp thông tin, người bệnh hiện có thêm một “trợ thủ đắc lực” từ Long Châu là tính năng nhắc uống thuốc tự động ngay trên app. Khi có đủ kiến thức và được trang bị kỹ năng tự chăm sóc, người bệnh sẽ tự tin hơn trong việc quản lý bệnh tật, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống.
Đại diện FPT Long Châu chia sẻ: "thấu hiểu tầm quan trọng của việc tuân thủ nghiêm ngặt quá trình điều trị bệnh Hen và COPD, FPT Long Châu hợp tác cùng GSK Việt Nam và Trường ĐH Phạm Ngọc Thạch cùng nhau đào tạo y khoa và kỹ năng tư vấn cho dược sĩ, từ đó hỗ trợ người bệnh tuân thủ theo điều trị của bác sĩ, đảm bảo sự an toàn và hiệu quả của các phương pháp điều trị, từ đó giúp người bệnh không chỉ kiểm soát tốt các triệu chứng mà còn cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.”
Được biết, kể từ khi ký kết hợp tác chiến lược vào năm 2022, Long Châu và GSK đã liên tục tổ chức những hoạt động cung cấp kiến thức thường thức về bệnh Hen phế quản và COPD cho cộng đồng, nâng cao năng lực đội ngũ dược sĩ.
Chuỗi chương trình hợp tác lần này tiếp tục là lời khẳng định vai trò tích cực của Long Châu, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và GSK trong các hoạt động giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng, nâng cao hiệu quả tích cực trong điều trị cho người bệnh, từ đó giúp kiểm soát tốt hơn các triệu chứng bệnh, giảm bớt gánh nặng cho y tế, xã hội.
Hen và COPD là các bệnh hô hấp mạn tính đứng hàng đầu và là gánh nặng cho kinh tế, y tế, xã hội. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc hen phế quản chiếm 4,1% dân số tương đương khoảng 4 triệu người và chỉ một phần nhỏ người bệnh kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình. Trong khi đó, COPD là nguyên nhân gây ra hơn 25 ngàn ca tử vong mỗi năm. Một trong các nguyên nhân thường gặp khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn là không tuân thủ điều trị.
Cụ thể, đối với chỉ định có dùng thuốc, các nhân viên y tế cần sự hợp tác và tuân thủ điều trị của người bệnh. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp người bệnh tự ý dùng thuốc giãn phế quản đường uống thay cho đường hít, tự ý giảm liều, ngưng thuốc khi thấy triệu chứng đã bớt hoặc tăng liều khi triệu chứng nặng lên, v.v làm giảm hiệu quả điều trị.