Thu hút vốn FDI giúp Việt Nam vươn ra biển lớn

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài (vốn FDI)…
Việt Nam một trong những quốc gia đi đầu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài (vốn FDI). Ảnh minh hoạ

Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, như dầu khí, điện tử, viễn thông…. Khu vực FDI cũng thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, nâng cao trình độ tiếp nhận công nghệ của nền kinh tế, đồng thời tạo sức ép để nhiều doanh nghiệp trong nước phải chủ động đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Những con số ấn tượng

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến ngày 20/4 cả nước có 37.065 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký gần 445,9 tỷ USD, vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 279,8 tỷ USD, bằng gần 62,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Trong 4 tháng qua, các nhà đầu tư FDI đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân. Điều này đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước không ngừng đổi mới, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, kịp thời nắm bắt cơ hội, cũng như phát huy ngoại lực, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư, tạo động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 5,1 tỷ USD, chiếm 57,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành tài chính, ngân hàng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ USD, chiếm hơn 17% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ ba với số vốn đăng ký gần 972 triệu USD.

Về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là ngành dẫn đầu về số dự án mới với 29,9%. Bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch góp vốn, mua cổ phần, chiếm 40,8%.

Theo đó, có 77 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, Singapore là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 2,2 tỷ USD, Nhật Bản đứng thứ hai với gần 2 tỷ USD, Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 752 triệu USD, tiếp theo Đài Loan, Hong Kong và Hàn Quốc...

Vốn FDI vào Việt Nam theo các quốc gia và vùng lãnh thổ trong 4 tháng đầu năm

Trong 4 tháng các nhà đầu tư FDI đã đầu tư vào 46 tỉnh, thành phố trên cả nước, các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới gần 70% số dự án mới, song tổng vốn đầu tư chỉ chiếm gần 2,2% tổng vốn đầu tư đăng ký mới.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài như cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc túc đầu tư…

Nhận xét về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài đã giảm so với cùng kỳ, song đã có cải thiện so với các tháng đầu năm 2023. Cụ thể, chỉ còn giảm 1,2%, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mức giảm của 3 tháng đầu năm (2,2%); và thấp hơn 3,7 điểm phần trăm so với mức giảm của hai tháng đầu năm 2023 (4,5%).

Doanh nghiệp nước ngoài đánh giá như thể nào?

Về vấn đề đầu tư tại Việt Nam, phát biểu trong hội thảo “Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết: “Hiện tại hơn 50% điện thoại Samsung bán trên thế giới được sản xuất tại Việt Nam, qua đó giúp Việt Nam phát triển nhảy vọt là quốc gia phát triển điện thoại toàn cầu. Đồng thời, Việt nam được rất nhiều tập đoàn công nghệ thế giới quan tâm do sự phát triển vượt bậc này. Sự hợp tác giữa Samsung và Việt Nam đã tạo nên một thị trường thu hút lao động, phát triển kinh tế chung”.

Trên phương diện là một ngân hàng, ông Victor Ngo, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, những năm gần đây Việt Nam đã có sự thu hút FDI năng động, khi có những lợi thế nhất định, đầu tư FDI tập trung tại các địa điểm chính ở miền Bắc và miền Nam.

Ông Victor Ngo, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam

“Ở Việt Nam, ngân hàng UOB là ngân hàng Singapore đầu tiên thành lập hoạt động đầu tư tại đây, tạo hoạt động đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, UOB còn hỗ trợ cả các công ty Việt Nam mở rộng ra toàn khu vực”, vị Tổng Giám đốc cho hay.

Đối với thị trường hàng hoá tiêu dùng, ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam cho rằng, không chỉ riêng AEON mà các doanh nghiệp Nhật Bản khác cũng mong muốn đầu tư vào Việt Nam, bởi thị trường này có nhiều yếu tố hấp dẫn.

Đầu tiên, Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế lớn, khi tốc độ tăng trưởng dân số nhanh, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, với mức sống người dân ngày càng nâng cao. Bên canh đó, tốc độ tăng trưởng của quốc gia này cao hơn nhiều so với các nước châu Á khác, cũng như Nhật Bản.

Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam

Thứ hai, Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp, không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ mà còn nhiều lĩnh vực khác. Đặc biệt, năm nay cũng là năm đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật bản.

Đại diện AEON Việt Nam cho rằng: “Môi trường đầu tư tại Việt Nam luôn thay đổi, nhưng tiềm năng và cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức. Song đại diện AEON tin rằng thị trường Việt Nam đang phát triển vượt bậc với nhiều yếu tố tương tự giai đoạn phát triển thần tốc của thị trường Nhật Bản trước đây”.

Dù AEON đầu tư vào nhiều thị trường nước ngoài, nhưng để mở rộng và phát triển tới quy mô hiện tại trong thời gian ngắn thì Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất và có nhiều tiềm năng nhất. “AEON xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai, bên cạnh Nhật Bản, để tăng tốc, đẩy mạnh hoạt động đầu tư”, ông Furusawa Yasuyuki nhấn mạnh.

Ngoài những thành tự đạt được, đại diện AEON cũng có một số mong muốn nhằm giúp các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam thuận lợi. Đó là Việt Nam cần đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đồng thời chính quyền địa phương cần ra quyết định định nhanh chóng hơn để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm