Thủ tướng chỉ đạo ổn định thị trường - Bộ Công Thương kiến nghị "gỡ" khó cho doanh nghiệp xăng dầu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa giao Bộ trưởng Bộ Công thương quan tâm chỉ đạo ổn định tình hình thị trường xăng dầu, nhất là các cửa hàng bán xăng, không để bất ổn tình hình.

Theo đó, trước hiện tượng một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… việc này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, ngày 19/10/2022 Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Công thương quan tâm chỉ đạo ổn định tình hình.

Trước đó, ngày 18/10/2022, Bộ Công Thương có văn bản gửi Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đề nghị rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế phát sinh.

Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu
Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu

Đồng thời có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.

Trong công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nêu rõ trước biến động của thị trường thế giới, chi phí kinh doanh tăng cao. Đặc biệt là tại một số địa phương, Chi cục Hải quan đã ngừng thông quan đối với một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu do chưa thực hiện việc kết nối dữ liệu điện tử, chậm nộp thuế…

Nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính kịp thời rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành, bảo đảm duy trì hoạt động cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cung ứng cho thị trường.

Chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu (nhất là đối với các doanh nghiệp trong danh sách gửi kèm theo công văn) thực hiện việc thông quan hàng hóa xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn hàng từ nguồn nhập khẩu cho thị trường trong nước.

Thủ tướng chỉ đạo ổn định thị trường - Bộ Công Thương kiến nghị "gỡ" khó cho doanh nghiệp xăng dầu ảnh 2

Trong khi đó, đối với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương đề nghị có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.

Tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ để nhanh chóng thực hiện các thủ tục mua xăng dầu nhằm kịp thời bổ sung nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Ngày 12/10/2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải cũng có buổi làm việc với 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng giao cho Vụ Thị trường trong nước xem xét các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp trên tinh thần nếu trong phạm vi giải quyết của Bộ Công Thương thì cần sớm xử lý.

Những nội dung không thuộc quyền hạn, chức năng của Bộ thì phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương có liên quan để giải quyết. Đối với những nội dung vượt quá thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ và có những tham mưu, đề xuất cụ thể.

Có thể bạn quan tâm