Thủ tướng nêu 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu trong Hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu trong Hội nghị

Sáng 15/11, sau khi lắng nghe ý kiến từ các đại biểu tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam, Thủ tướng đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, yếu kém của ngành du lịch. Nhằm khắc phục những hạn chế đó, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Đầu tiên, Thủ tướng yêu cầu thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia, vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn. Hình thành các liên kết vùng động lực tăng trưởng du lịch, tiếp tục đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng logistics theo hướng tăng cường liên kết tỉnh, liên vùng, liên kết trong nước với quốc tế.

Tăng cường quan hệ hợp tác công - tư theo cơ chế thị trường trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, có cơ chế, chính sách huy động hiệu quả nguồn lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn đầu tư cho phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, kích thích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh du lịch ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và tiếp cận vốn.

Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và chất lượng, phù hợp với yêu cầu của cạnh tranh và hội nhập. Các Bộ cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch, nhất là nhân lực chất lượng cao về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề du lịch.

Thứ ba là xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh. Trong đó, đẩy mạnh phát triển và khai thác phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh như du lịch hội nghị - hội thảo - sự kiện, du lịch golf, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực, sức khỏe...

Thứ tư là nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng mô hình, phương thức xúc tiến du lịch có tính chất đột phá với tầm nhìn dài hạn, huy động hiệu quả sự tham gia của doanh nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trên nhiều nền tảng. Tăng cường năng lực, quy mô, tính hiệu quả của hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia. Thực hiện rà soát, đánh giá, hoàn thiện cơ chế quản lý và vận hành để phát huy tốt hơn nữa vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Theo Thủ tướng, nghiên cứu, tổ chức nhiều hơn các festival phim, âm nhạc quốc tế, giới thiệu, tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ quốc tế sáng tác về Việt Nam, đề cập tới Việt Nam trong các tác phẩm nghệ thuật... nhằm tạo điểm nhấn, thương hiệu.

Thứ năm là tăng cường quản lý môi trường du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa. Bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách; đặc biệt chú trọng đến vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đồng thời, khuyến khích sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các điều kiện kinh doanh du lịch đã được cắt giảm, đơn giản hóa.

Cuối cùng là đẩy nhanh chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam. Các Bộ và địa phương cần bố trí nguồn lực, tập trung phát triển cơ sở dữ liệu, nền tảng số kết nối thông tin cho hoạch định chính sách, điều hành, quản lý nhà nước và phục vụ doanh nghiệp, khách du lịch trong nước, quốc tế.

Có thể bạn quan tâm