Thủ tướng: Thuốc là hàng hóa đặc biệt nên phải có chính sách quản lý đặc biệt, song cần loại bỏ cơ chế xin cho

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần có chính sách quản lý đặc biệt, song cần thông thoáng trên cơ sở loại bỏ cơ chế xin cho…

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Ngày 27/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2024.

Tại phiên họp, Chính phủ đã xem xét cho ý kiến, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng như dự án Luật Phòng không nhân dân; dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược…

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chính phủ cho ý kiến về quy định kê khai giá bán thuốc, rà soát các quy định đảm bảo phù hợp với các luật hiện hành nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước chuyên ngành.

Đồng thời, bảo đảm quyền tiếp cận sớm thuốc của người dân. Đặc biệt là những thuốc mới, ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước theo công nghệ hiện đại, quy định cụ thể để khuyến khích chuyển giao công nghệ…

Theo Thủ tướng, thuốc là hàng hóa đặc biệt nên phải có chính sách quản lý đặc biệt, song cần thông thoáng trên cơ sở loại bỏ cơ chế xin cho, tuân thủ quy luật thị trường, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, dược liệu, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường công nhận đánh giá sự phù hợp từ các nước tiên tiến. Thủ tướng cũng lưu ý chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp dược.

Với Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề như quy định liên quan kinh doanh bảo vật, di vật, cổ vật, bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia và di sản tư liệu là tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giữ gìn, tôn tạo, phát huy di sản văn hóa của dân tộc, phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực di sản văn hóa, huy động nguồn lực xã hội thông qua tăng cường hợp tác công tư; phát triển nguồn nhân lực văn hóa.

Thủ tướng lưu ý cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, lấy ý kiến chuyên gia về quy định liên quan kinh doanh bảo vật trên cơ sở quản lý bằng công cụ thuế. Cùng với đó là khuyến khích và có chính sách quản lý hoạt động của bảo tàng tư nhân, các quy định của luật này không chồng chéo với Luật Lưu trữ.

Về dự án Luật Phòng không nhân dân, tập trung cho ý kiến về việc tổ chức lực lượng phòng không nhân dân trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; các trường hợp được miễn trừ cấp phép bay khi khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ; điều kiện khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ đối với trường hợp phải được cấp phép bay; đánh giá tác động đối với các thủ tục hành chính quy định tại dự án Luật.

Với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), các ý kiến tập trung vào một số nội dung liên quan vũ khí quân dụng, hoạt động đầu tư, kinh doanh dao có tính sát thương cao.

Bên cạnh đó, về đề nghị xây dựng Luật Hàng không dân dụng (sửa đổi), các đại biểu tập trung thảo luận về các chính sách hoàn thiện khung pháp lý về công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng không, về an toàn hàng không, an ninh hàng không, xây dựng, đầu tư, phát triển cảng hàng không, về vận chuyển hàng không.

Liên quan đến đề nghị xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi), các đại biểu tập trung cho ý kiến về các chính sách liên quan đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt, hoạt động vận tải đường sắt, kết nối các phương thức vận tải, phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt.

Các thành viên Chính phủ cũng thảo luận về 2 nhóm chính sách liên quan đến Luật Công nghiệp công nghệ số là hoạt động công nghiệp công nghệ số, sản phẩm dịch vụ công nghệ số và bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số.

Ngoài ra, đối với Luật Hàm, cấp ngoại giao, các ý kiến tập trung thảo luận về các nhóm chính sách về hoàn thiện quy trình, thủ tục, thẩm quyền liên quan đến công tác hàm, cấp ngoại giao; đối tượng phong hàm ngoại giao, tiêu chuẩn hàm ngoại giao; chính sách gắn hàm ngoại giao với cơ chế đãi ngộ và các bảo đảm về điều kiện làm việc; nghĩa vụ, trách nhiệm của người mang hàm ngoại giao.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...