Thủ tướng yêu cầu giám sát việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp BĐS

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu.
Thủ tướng yêu cầu giám sát việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp BĐS

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Công điện số 8857 về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Theo công điện, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Chính phủ về phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, tín dụng... .

Tuy nhiên trong 11 tháng đầu năm, lượng doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ với quy mô lên tới trên 436.000 tỷ đồng, tăng trên 23,4% so với cùng kỳ năm 2020, tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Do đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu. 

Đặc biệt là việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS), của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp BĐS, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm,… 

Bộ Tài Chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề trên trước ngày 15/12/2021.

Cùng với đó, Bộ cần khẩn trương rà soát các quy định pháp luật liên quan đến thị trường TPDN và phát hành TPDN để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, giám sát thị trường TPDN, bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, an toàn.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư TPDN của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật (nếu có) để xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.

Trước tình trạng trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo nguy cơ tăng nóng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc ngày 3/12 cũng yêu cầu các cơ quan như Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ... giám sát lại việc phát hành thời gian qua.

Theo Bộ Tài chính, trong 300 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, chỉ khoảng 20 doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tài sản đảm bảo, chủ yếu là bất động sản, chứng khoán, chương trình, dự án.

Chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của doanh nghiệp. Vì thế, giá trị của các tài sản này thường không định giá được chính xác hoặc có biến động mạnh theo diễn biến thị trường.

Đầu tháng 11, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư siết lại việc các ngân hàng mua bán trái phiếu doanh nghiệp.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…