Sự kiện diễn ra nhằm đẩy mạnh tăng cường hợp tác kinh tế Việt – Nga và nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện.
Với chủ đề “Các mô hình hỗ trợ văn hóa - nhân văn cho kinh doanh quốc gia ở nước ngoài”, ông Konstantin Vasilievich Vnukov – Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền LB Nga tại Việt Nam đã có bài phát biểu, nhận xét về các chính sách hỗ trợ văn hóa và nhân văn song hành cho các doanh nghiệp Nga ở nước ngoài. Ông cũng nhấn mạnh và bày tỏ sự hài lòng của mình về sự hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước ngày càng được nâng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư và tài chính.
Bên cạnh đó ông còn bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình về các hình thức và cơ chế mới kích thích mối quan hệ hợp tác giữa các cộng đồng doanh nghiệp của Nga và Việt Nam. Cụ thể là sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp Nga trong việc đào tạo các cán bộ chuyên gia từ Việt Nam, hay trong các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai, các cuộc khủng hoảng công nghệ và các chương trình xóa đói giảm nghèo nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội Việt Nam cũng như tăng cường hình ảnh và uy tín tích cực của LB Nga tại Việt Nam.
Ông cũng nhấn mạnh rằng: “Nhiệm vụ chung của hai nước chính là thắt chặt mối quan hệ gắn bó mật thiết từ tình hữu nghị truyền thống của hai nước đồng thời tiếp tục hỗ trợ và cùng nhau phát triển nền kinh tế văn hóa thông qua các dự án chung mới đầy triển vọng.”
Tại buổi hội thảo, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội N.V. Shafinskaya đã trình bày bài thuyết trình với chủ đề “Sự hỗ trợ của Nga trong việc phát triển kinh tế, xã hội của CHXHCN Việt Nam”. Bài thuyết trình nói về các nguyên tắc cơ bản của Nga trong việc Hỗ trợ phát triển quốc tế, các hướng hợp tác giữa Nga và CHXHCN Việt Nam trong khuôn khổ hỗ trợ phát triển quốc tế (SMR), đồng thời nói về những dự án nhân văn. Bà cũng đưa ra những ví dụ cụ thể phù hợp với các doanh nghiệp Nga tại nhiều nước trên thế giới và bày tỏ quan điểm, mục đích của dự án là xác định sự ủng hộ của nhà nước và các cộng đồng với điều kiện đưa nước đó vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời thu hút, lôi cuốn sự chú ý của nhà nước và doanh nghiệp dưới sự ủng hộ của luật pháp ở cấp quốc gia và khu vực.
Cũng tại hội thảo, bà Vostrikova I.O. - PGS.TS bộ môn Kinh doanh Quốc tế trường Đại học Kinh tế quốc gia Xanh- Peterburg đã có bài báo cáo về “Thực hành hỗ trợ văn hóa và nhân văn cho hoạt động kinh doanh: những phương án công cụ các trường hợp tốt nhất”. Bà cho biết: “Với mục đích song hành giúp đỡ về văn hóa và nhân văn cho doanh nghiệp, báo cáo đã có sự điều chỉnh và biên soạn lại cho phù hợp với đặc trưng kinh doanh của Nga tại nước ngoài thông qua các khảo sát và nghiên cứu thị trường".
Sự kiện này đã đem lại mối quan tâm lớn đến các tổ chức doanh nghiệp Nga tại Việt Nam và các đại biểu tham dự, theo kết quả của tất cả các bài báo cáo, đại biểu phía Việt Nam đã đưa ra những câu hỏi cụ thể liên quan đến việc tiếp tục phát triển các mối quan hệ kinh tế và văn hóa nhân văn giữa hai nước.
Lê Thủy