Tiếp tục trượt giảm, chứng khoán Mỹ ghi nhận khoản lỗ hàng tuần

Đóng cửa phiên 7/7, chứng khoán Mỹ kết thúc tuần ở mức thấp khi Phố Wall cố gắng rũ bỏ lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang có thể bắt đầu tăng lãi suất một lần nữa vào cuối tháng này…
Tiếp tục trượt giảm, chứng khoán Mỹ ghi nhận khoản lỗ hàng tuần

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 187,38 điểm (-0,55%) xuống 33.734,88 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 12,64 điểm (-0,29%) thành 4.398,95 điểm và Nasdaq Composite mất 18,33 điểm (-0,13%) còn 13.660,72 điểm. 

Dẫn đầu đà giảm trong các lĩnh vực thuộc S&P 500 là nhóm tiêu dùng thiết yếu, giảm 1,3%. Ngược lại, nhóm năng lượng tăng 2,1% trong khi vật liệu tăng 0,9%.

Chỉ số vốn hóa nhỏ Russell 2000 tăng 1,2% trong ngày.

Các chỉ số chính kết thúc với mức giảm hàng tuần, S&P 500 giảm khoảng 1,2%, chỉ số Dow trượt khoảng 2% và Nasdaq giảm 0,9%.

Tâm lý phòng thủ của thị trường được đặt trong các lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu, với Walmart Inc hạ 2,3% và Costco Wholesale mất 2,29% do báo cáo doanh số bán hàng trong tháng 6 đã giảm 1,4%. Levi Strauss & Co giảm 7,7% sau khi thương hiệu thời trang cắt giảm dự báo lợi nhuận hàng năm.

Trong khi đó, các cổ phiếu năng lượng có xu hướng tích cực trên thị trường rộng lớn hơn, cụ thể là Halliburton Company, Diamondback Energy Inc và Schlumberger NV ghi nhận mức tăng mạnh nhất lên tới 8%. 

Ở các diễn biến cố phiếu riêng lẻ khác, Rivian Automotive tăng vọt 14,2% khi nhà sản xuất xe điện báo cáo doanh số hàng quý tốt hơn mong đợi.

Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của Alibaba cũng thêm 8% sau khi chính quyền Trung Quốc cho biết họ sẽ phạt Ant Group 984 triệu USD và chấm dứt cuộc trấn áp kéo dài nhiều năm đối với công ty fintech này.

Khoảng 10,3 tỷ cổ phiếu được trao tay trên các sàn giao dịch của Mỹ, thấp hơn so với mức trung bình hàng ngày là 11,1 tỷ trong 20 phiên gần đây.

Về khía cạnh kinh tế,  báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ cho thấy tháng 6 là giai đoạn đất nước có thêm ít việc làm nhất trong vòng 2,5 năm qua, mặc dù tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ liên tục cho thấy điều kiện thị trường lao động vẫn còn thắt chặt.

Bảng lương phi nông nghiệp bổ sung thêm 209.000 việc làm vào tháng trước, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,6%, thấp hơn 0,1% so với mức tháng 5 - tương tự như dự đoán trước đó của các nhà kinh tế. Thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 0,4% trong tháng 6 và 4,4% so cùng kỳ năm trước.

Những dữ liệu trên đã làm gia tăng lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể có lý do để tiếp tục tăng lãi suất vào cuối tháng 7. 

Chuyên gia kinh tế Keith Lerner của Truist cho biết: “Có một tin tốt là nền kinh tế không sụp đổ, nó vẫn đang phát triển, nhưng bạn vẫn có những áp lực về tiền lương sẽ khiến Fed có khả năng tăng lãi suất vào cuối tháng”. 

Giới giao dịch đã đặt cược 92% khả năng Fed sẽ tăng 0,25 điểm phần trăm vào ngày 26/7 tới, theo Công cụ FedWatch của CME Group. Trước đó, các nhà hoạch định chính sách đã chỉ ra tại cuộc họp tháng 6 rằng hai đợt tăng lãi suất nữa có thể diễn ra vào nửa cuối năm 2023.

chứng khoán Mỹ

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã tăng vọt 3% lên mức cao nhất trong 9 tuần vào 7/7 do lo ngại về nguồn cung và lực mua kỹ thuật lấn át lo ngại rằng xu hướng tăng lãi suất có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.

Giá dầu Brent tăng 1,95 USD, tương đương 2,6%, lên mức 78,47 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI của Mỹ tăng 2,06 USD, tương đương 2,9%, lên mức 73,86 USD.

Đây là mức đóng cửa cao nhất đối với Brent kể từ ngày 1/5 và WTI kể từ ngày 24/5. Cả hai điểm chuẩn đều tăng khoảng 5% trong tuần.

Các nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu là Saudi Arabia và Nga đã công bố cắt giảm sản lượng mới trong tuần này, nâng tổng mức cắt giảm của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) lên khoảng 5 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 5% sản lượng toàn cầu.

Một số nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Hoa Kỳ Morningstar nhận định: “Việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ dự kiến sẽ thắt chặt thị trường, dẫn đến thâm hụt nguồn cung trong nửa cuối năm 2023, hỗ trợ giá dầu cao hơn”.

Có thể bạn quan tâm