Tìm kiếm động lực tăng trưởng: Bắt đầu từ khôi phục niềm tin!

Nếu tiếp diễn tình trạng thực thi chính sách không phù hợp, thiếu thực tiễn, nhiều quy định thiếu khoa học, thậm chí gây thêm thương tích cho doanh nghiệp không có những giải pháp thực sự đột phá, các động lực tăng trưởng sẽ khó phục hồi.

Đầu tháng 6/2023, một cuộc gặp rất nóng diễn ra ở Quảng Ninh. Một bên là Chi cục Thuế tỉnh Quảng Ninh, một bên là các doanh nghiệp xuất khẩu viên nén gỗ, đang có hồ sơ hoàn thuế, nhưng ách tắc chưa được giải quyết.

Khó khăn vẫn bủa vây

Không phải ngẫu nhiên mà có cuộc làm việc này. Vài ngày trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Trong đó, Công điện đã nhắc đến yêu cầu Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan xem xét và khẩn trương đối thoại với doanh nghiệp để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề chậm hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp ngành gỗ.

“Mọi vướng mắc lại... vẫn được ghi nhận”, ông Thang Văn Thông, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Phó chi hội trưởng Chi hội Dăm gỗ Việt Nam chia sẻ sau cuộc họp.

Nhưng điều này có nghĩa, những khó khăn mà các doanh nghiệp vẫn chưa có giải pháp, dù hướng giải quyết đã được các doanh nghiệp đưa ra không chỉ 1 lần. Khó khăn đang bị đẩy lên khi những dấu hiệu tích cực về đơn hàng đang nhen nhóm.

Theo đánh giá của Chi hội Viên nén Gỗ Việt Nam, dự kiến trong tháng 6, tháng 7/2023, nhu cầu viên nén tại thị trường Hàn Quốc sẽ tăng trở lại với lượng tiêu thụ là 100.000 tấn/tháng. Tại thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt đã ký được các hợp đồng dài hạn 2-3 năm cung cấp viên nén cho thị trường này. Có thể thấy, hai thị trường nhập khẩu lớn viên nén gỗ của Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản, chiếm 98% tổng lượng đã và đang có tín hiệu tốt. Thị trường EU cũng dường như cũng đã dần ổn định sau cơn sốt các nguồn cung ứng năng lượng, bao gồm cả nhiên liệu sinh khối.

“Trong khi nhiều ngành hàng đang khan đơn hàng thì chúng tôi tin rằng, xuất khẩu viên nén sẽ phục hồi cả về giá cả và khối lượng từ những tháng cuối năm 2023. Đây là lúc doanh nghiệp cần tiền để bắt tay vào các đơn hàng mới, nhưng tiền của nhiều doanh nghiệp vẫn đang bị ách trong các hồ sơ hoàn thuế”, ông Thông lo lắng.

Ông Thông kể, như trường hợp của Công ty CP Cảng Thái Hưng, đã chuyển 2 bộ hồ sơ xin hoàn thuế giá trị gia tăng vào tháng 8/2022, trong đó 1 hồ sơ có giá trị 28 tỷ đồng, 1 hồ sơ có giá trị 26 tỷ đồng phát sinh thuế GTGT từ tháng 1/2022 đến tháng 5/2022 lên Cục thuế tỉnh Quảng Ninh. Nhưng đến cuộc họp đầu tháng 6/2023, Công ty cho biết đã xin giãn tiến độ các bộ hồ sơ trên, còn các bộ hồ sơ xin hoàn thuế GTGT phát sinh từ tháng 6/2022 đến tháng 3/2023, doanh nghiệp chưa nộp lên Cục thuế tỉnh Quảng Ninh. Tổng số thuế GTGT Công ty đã trả và khai báo với cơ quan thuế từ tháng 1/2022 đến tháng 03/2023 là 171 tỷ đồng.

động lực tăng trưởng
Nhập chú thích ảnh

“Trong cuộc họp, Công ty CP Cảng Thái Hưng đề nghị với Nhà nước xin được hoàn thuế GTGT cho công ty từ tháng 1/2022 đến nay với cách kiểm tra hồ sơ hoàn thuế như khi chưa có Công văn 633/TCT-TTKT ngày 07/03/2022 của Tổng cục thuế. Còn nếu vẫn căn cứ theo Công văn 633 thì sẽ không thể giải quyết được. Đây là vướng mắc là các doanh nghiệp xuất khẩu viên nén đang vướng”, ông Thông chia sẻ thông tin.

Phải nhắc lại, Công văn 633/TCT-TTKT quy định phải xác định nguồn gốc hàng hóa từ F1, F2, F3…. , nghĩa là truy xuất nguồn gốc đến tận hộ trồng rừng. Vấn đề là các chi cục Thuế địa phương cũng không có chức năng, quyền hạn đi xác minh việc này, nên nếu xác minh việc này phải nhờ đến đơn vị thứ 3, mà ở đây là cơ quan công an.

Nhưng kể cả khi cơ quan công an vào việc cũng không dễ dàng. Đại diện Công ty TNHH Gỗ Tỷ Long kể, Công ty nộp hồ sơ hoàn thuế cách đây 2 năm, tới nay vẫn chưa được hoàn thuế do hồ sơ đã được chuyển sang cơ quan công an để điều tra.

Nhiều doanh nghiệp không thể chờ lâu

“Cơ quan Thuế đưa ra các biện pháp quản lý chặt chẽ trong việc hoàn thuế GTGT cũng có những lý do riêng, tuy nhiên, khi các lý do này chưa phù hợp với thực tiễn, thì phải cân nhắc, không thể đẩy khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Thang Văn Thông bức xúc.

động lực tăng trưởng
Cơ quan Thuế đưa ra các biện pháp quản lý chặt chẽ trong việc hoàn thuế GTGT cũng có những lý do riêng, tuy nhiên, khi các lý do này chưa phù hợp với thực tiễn, thì phải cân nhắc, không thể đẩy khó khăn cho doanh nghiệp

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, số tiền thuế GTGT của doanh nghiệp chế biến – xuất khẩu gỗ chưa được hoàn trả là 6,1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu dăm thuộc Chi hội Dăm gỗ khoảng trên 4 nghìn tỷ đồng. Riêng với 11 doanh nghiệp xuất khẩu dăm lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, số thuế chưa được hoàn đến hết tháng 5/2023 là 1.105 tỷ đồng... 

Trước khi có Công văn 633/TCT-TTKT, tình hình hoàn thu thuế GTGT  với các doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường, căn cứ Thông tư 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế. Cụ thể, doanh nghiệp chỉ truy xuất đến người phát sinh thuế, thay vì truy xuất đến người trồng rừng.

“Cần phân biệt rõ ai làm đúng và ai làm sai. Doanh nghiệp làm không đúng thì pháp luật quản lý, giám sát họ. Còn các doanh nghiệp làm đúng thì cần tháo gỡ cho họ để họ kinh doanh tiếp. Đồng thời, cần có cơ chế chính sách quản lý đúng, chặt để doanh nghiệp thực hiện. Có như vậy, doanh nghiệp mới phát triển được”, ông Thông nói, đề nghị Tổng cục Thuế nên xem xét lại việc yêu cầu truy xuất thuế đến người trồng rừng.

Không chỉ ngành gỗ khó khăn. Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), bà Phan Thị Thanh Xuân cũng cho rằng, chưa bao giờ doanh nghiệp da giày khó như lúc này. Đơn hàng giảm tới  30%, nhiều doanh nghiệp lại rơi vào tình huống cực kỳ khó khăn - tiếp tục giữ lao động ở lại thì không chịu nổi, nhưng nếu không giữ thì khi đơn hàng trở lại, không đủ nhân công thực hiện.

“Rất nhiều doanh nghiệp đã trao đổi vối Hiệp hội để cùng tìm xem giải pháp nên như thế nào. Thực tế, Chính phủ đã kịp thời ra những chương trình hỗ trợ như giảm thuế VAT hay các gói giãn, hoãn nộp các khoản thuế, phí, tuy nhiên để doanh nghiệp tiếp cận được các khoản hỗ trợ đó cũng là thách thức. Nhiều doanh nghiệp nói, thủ tục, quy định nhận hỗ trợ rườm rà, rất nhiều thủ tục không cần thiết, chưa kể chi phí tuân thủ. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng lo ngại công tác hậu kiểm về sau...”, bà Xuân chia sẻ thực tế.

Cho đến cuối tháng 5/2023, theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đã có hơn 500.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm, số thôi việc, mất việc làm lên tới 279.409 người (chiếm 54,79% lao động bị ảnh hưởng); 195.039 bị giảm giờ làm, hơn 17.003 người nghỉ không lương, Số lao động tạm hoãn hợp đồng lao động là 8.346 người. Trong tổng số 279.409 lao động thôi việc, mất việc làm, ngành dệt may là 68.782 người, da giày 31.653 người, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử là 45.075 người.

động lực tăng trưởng
Trong tổng số 279.409 lao động thôi việc, mất việc làm, ngành dệt may là 68.782 người, da giày 31.653 người, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử là 45.075 người

Lo ngại của bà Xuân không chỉ dừng lại ở hoạt động của các doanh nghiệp, mà còn ở hàng trăm ngàn gia đình đằng sau đó. “Doanh nghiệp khó khăn, mức độ ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ sớm ngày nào, doanh nghiệp và lao động càng đỡ khó ngày đó”, bà Xuân nói.

Từ kinh nghiệm của các nước, khi đã cứu trợ nghĩa là phải nhanh chóng, kịp thời thì mới đáp ứng được yêu cầu, vì thế, chúng ta phải đơn giản hóa các thủ tục. Về hậu kiểm, có thể sau khi khó khăn qua đi, chúng ta kiểm tra lại, doanh nghiệp nào lạm dụng thì phải chịu trách nhiệm như bị truy thu thuế, bị phạt…

Các doanh nghiệp cho rằng, phải nhanh mới có thể cứu được doanh nghiệp, còn bây giờ lo thủ tục mất quá nhiều thời gian,  khi nguồn tiền có thể về đến doanh nghiệp lại qua mất giai đoạn khó khăn rồi thì “việc cứu” đó không còn mấy ý nghĩa.

Cũng phải nhắc đến những áp lực mới đang xuất hiện, đè nặng doanh nghiệp, đó là thiếu điện. Như vậy, trong khi đơn hàng vẫn hiếm, vốn chưa thông, nhiều doanh nghiệp đang lo ngại không thể hoạt động bình thường khi lịch cắt điện xuất hiện ngày càng nhiều khi nắng nóng gay gắt kéo dài, thời tiết khô hạn...

Tìm kiếm động lực tăng trưởng

Hệ lụy từ suy giảm đơn hàng của các ngành xuất khẩu lớn đã khiến kim ngạch xuất khẩu toàn nền kinh tế 5 tháng qua giảm 11,6%, tương đương giảm gần 18 tỷ USD so với cùng kỳ, với 6/7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD tăng trưởng âm.

Nhưng không chỉ một động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang khó. Báo cáo trong Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhắc đến những khó khăn của nền kinh tế đang đến từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài…

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng giảm 2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%), kéo dài xu hướng giảm từ đầu năm.

Du lịch có dấu hiệu chậm lại, khách quốc tế đến Việt Nam tháng Năm giảm 6,9% so với tháng trước, trong khi thiếu các giải pháp hiệu quả, quyết liệt để kiểm soát giá cả, chất lượng dịch vụ ăn uống, lưu trú, quảng bá, xúc tiến du lịch, kích cầu du lịch… khắc phục “tính mùa vụ” trong hoạt động du lịch.

Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 5 tháng giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022; vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vẫn giảm 7,3%, đặc biệt là vốn tăng thêm của các dự án đang triển khai giảm 59,4% so với cùng kỳ. Một số dự án đầu tư, dự án bất động sản lớn bị ngưng trệ, dừng đầu tư hoặc chậm triển khai...

Đáng nói là trong 5 tháng đầu năm 2023, có hơn 88.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, mặc dù có tín hiệu tích cực trở lại, nhưng kinh tế TP. HCM và vùng Đông nam bộ - đầu tàu tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế vẫn sụt giảm nghiêm trọng. 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp TP. HCM chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2022; chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp giảm 4,9%; chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6% so với tháng 4 và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2022; chỉ số việc làm 5 tháng giảm 2,8% so cùng kỳ... Số FDI đăng ký đầu tư vào Thành phố 5 tháng 2023 giảm 13,5%; trong đó, vốn điều chỉnh bổ sung giảm 35,3%...

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) rất lo ngại khi nhìn vào các động lực tăng trưởng của nền kinh tế đều “có vấn đề”, khiến khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 vô cùng khó khăn.

Hơn thế, theo ông Cung, nếu nhìn dài hơn trong nhiệm kỳ 2021-2015, thì một nửa thời gian đã qua, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng của nhiệm kỳ là 7% đang trở nên vô cùng khó khăn.

“Ngay cả khi năm 2023 đạt được kế hoạch tăng trưởng 6,5%, dù các dự báo cho đến thời điểm này đều đang dước mức này, thì tăng trưởng trung bình 3 năm 2021-2023 chỉ đạt khoảng 5,7%. Để đạt mục tiêu nhiệm kỳ thì 2 năm 2024 - 2025 phải đạt tăng trưởng trung bình mỗi năm là gần 9%. Điều này gần như không thể, nếu tiếp diễn tình trạng thực thi chính sách không phù hợp, thiếu thực tiễn, nhiều quy định thiếu khoa học, thậm chí gây thêm thương tích cho doanh nghiệp  không có những giải pháp thực sự đột phá”, ông Cung nhận định.

Có thể kể tới những đứt gãy kênh huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ; làm cho tín dụng trở nên khan hiếm với chi phí cao, lại khan hiếm và chi phí cao hơn, thậm chí có lúc đã khô cạn; cung và cầu thị trường bất động sản đều giảm mạnh, giao dịch thị trường gần như đóng băng; đứt gãy, gián đoạn và thậm chí khủng hoảng dịch vụ kiểm định xe cơ giới; quy trình tuân thủ và chi phí tuân thủ quy định phòng cháy chữa cháy quá phức tạp, quá đắt đỏ đến mức vô lý, vượt khỏi sức chịu đựng của doanh nghiệp; thiếu điện, cắt điện cục bộ; và rất nhiều các vướng mắc, rào cản pháp lý khác được doanh nghiệp phản ánh nhưng không cơ quan nào tiếp nhận, giải quyết.

Theo ông Cung, đây là lúc phải lấy lại niềm tin của thị trường, của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với công tác hoạch định chính sách, pháp luật và quản lý, điều hành của Chính phủ.

“Bắt đầu từ việc hạn chế ngay thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Không sửa đổi nghị định, thông tư một cách đột ngột và giật cục, làm gián đoạn, đứt gãy hoạt động đầu tư kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. Không phải cứ có sai phạm gì đó xảy ra là do chúng ta thiếu quy định, hay quy định không đủ chặt chẽ. Hạn chế và tiến tới tuyệt đối không hình sự hoá các quan hệ kinh tế - dân sự”, ông Cung đề xuất.

Trong lúc hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn, chủ sở hữu và người quản lý doanh nghiệp đang tập trung thời gian, trí tuệ và nguồn lực giải quyết các vấn đề, vượt qua khó khăn để tồn tại và phát triển, duy trì việc làm cho người lao động.

Ông Cung cũng đề xuất tập trung xử lý và giải quyết dứt điểm một số vấn đề gây bức xúc xã hội, đang cản trở, gây bất lợi lớn đối với hoạt động đầu tư kinh doanh, giảm lòng tin của người dân và doanh nghiệp.

“Giải quyết cơ bản tình trạng “sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm, không muốn làm” của công chức trong bộ máy hành chính nhà nước. Không thể chậm hơn nữa”, ông Cung nhấn mạnh.

động lực tăng trưởng
“Giải quyết cơ bản tình trạng “sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm, không muốn làm” của công chức trong bộ máy hành chính nhà nước. Không thể chậm hơn nữa”, ông Cung nhấn mạnh.

Cụ thể hơn, về phía các doanh nghiệp gỗ, ông Thông cho biết, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã gửi đi nhiều kiến nghị rất cụ thể.

Trong đó, đề nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế rà soát lại các vướng mắc tại các văn bản quy định hiện hành để gỡ khó cho doanh nghiệp, đảm bảo dòng tài chính để doanh nghiệp ký kết các hợp đồng mới, tránh trường hợp hiện có nhiều doanh nghiệp có đơn hàng nhưng lại không có dòng vốn để thực hiện.

“Chúng tôi cũng đề nghị Bộ tài chính, Tổng cục thuế xem xét và trả lời các hồ sơ hoàn thuế, chia ra từng giai đoạn 3 tháng, 6 tháng để giải quyết dứt điểm các bộ hồ sơ cho doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu có hợp đồng với doanh nghiệp thương mại thì cho phép hoàn thuế GTGT vì đây là giao dịch kinh tế hợp pháp, đáp ứng đủ các điều kiện hoàn thuế. Nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật thì đề nghị thanh/kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Thông cho biết.

Thậm chí, nếu tình trạng hoàn thuế GTGT còn kéo dài và chưa có hướng xử lý, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề nghị bỏ thuế 10% đối với mặt hàng này, để tránh tình trạng lợi dụng việc hoàn thuế giá trị gia tăng để gian lận ngân sách nhà nước, tác động xấu tới các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và làm ăn chân chính.

Nếu không, các doanh nghiệp đề xuất có cơ chế/chính sách để doanh nghiệp đóng thuế hộ khâu chế biến gỗ trung gian với mức 1,5% và doanh nghiệp được phép hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...