Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021, trả lời câu hỏi về việc kiểm soát tín dụng cho vay bất động sản, ông Đào Minh Tú đánh giá, giá bất động thời gian gần đây tương đối nóng ở nhiều địa phương, giá cả có chiều hướng tăng lên. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là một số đối tượng nhân cơ hội để tung tin không chính xác nhằm thổi giá đất, kiếm chênh lệch đầu tư.
Về phía NHNN, ông Tú khẳng định riêng tín dụng trong bất động sản luôn quản lý sát sao. "Câu chuyện dịch chuyển vốn, tiền tệ sang bất động sản là nội dung được NHNN quan tâm, chúng tôi cảnh báo các tổ chức tín dụng khi có dấu hiệu không đảm bảo ổn định, rủi ro", ông nói.
Thống kê đến ngày 15/3 của NHNN cho thấy dư nợ cho vay bất động sản của ngành ngân hàng tăng 2,13% so với cùng kỳ, cao hơn tốc độ tăng tín dụng là 2,04%. Đây cũng là chỉ số cho thấy tín dụng bất động sản tăng nhanh.
Tuy nhiên, đại diện NHNN phân tích, tín dụng bất động có 2 lĩnh vực: Tín dụng vào đối tượng đầu cơ, kinh doanh bất động sản cao cấp như dự án nghỉ dưỡng, biệt thực, dự án đầu tư mà khả năng thanh toán trong tương lai không cao, NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ.
Còn lĩnh vực tín dụng đầu tư vào để giúp thanh khoản với loại sản phẩm hàng hoá tiêu dùng bất động sản như nhà giá rẻ, nhà thu nhập thấp vẫn giao cho ngân hàng thương mại quan tâm đẩy mạnh.
"Trước tình hình bất động sản tăng nóng, Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát, cảnh báo với tổ chức tín dụng khi phát hiện rủi ro", ông Tú một lần nữa khẳng định.
Còn về lãi suất điều hành sắp tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, mức lãi suất bình quân của Việt Nam hiện nay thấp hơn mức lãi suất bình quân của Asean.
"Điều hành chính sách lãi suất trong thời gian tới tiếp tục trên quan điểm tạo ổn định, tuy nhiên cần xét đến những biến động trên thị trường thế giới trong thời gian tới có điều chỉnh hợp lý. Nếu có nhiều chỉ số tích cực thì chúng tôi tiếp tục giảm lãi suất", ông Tú cho biết.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, sốt đất là tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế, rủi ro nếu không quản lý tốt hệ thống tín dụng. Tuy nhiên, ông tin rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ kiểm soát tốt rủi ro này.
Về công tác điều hành lãi suất trong thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là tạo sợ ổn định, tiếp tục duy trì ổn định cả lãi suất huy động và cho vay. Cùng với đó, nếu diễn biến thị trường thuận lợi sẽ tiếp tục giảm lãi suất để giảm chi phí, hỗ trợ người dân.
"Theo số liệu trong báo cáo, đến cuối năm 2020 mặt lãi suất cho vay và huy động đã giảm từ 2,5-3,5% so với mặt bằng lãi suất năm 2015-2016. Mức lãi suất áp dụng cho các lĩnh vực ưu tiên là khoảng 4,5%. Lãi suất cho vay bình quân hiện nay của Việt Nam thấp hơn mức trung bình của Asean+4", ông Tú nói.
Đến hết tháng 3, mức lạm phát tăng trưởng thấp nhất trong vòng 20 năm, tăng trưởng GDP dù chưa đạt kỳ vọng nhưng cũng diễn biến tích cực cho nền điều hành lãi suất của NHNN vẫn đứng trên quan điểm tạo sự ổn định. Tuy nhiên, NHNN cho rằng cũng vẫn phải cảnh giác với một số tác động từ kinh tế thế giới như giá nhiên liệu, giá dầu được dự báo tăng 30% hay việc tiền tệ chảy sang trái phiếu, bất động sản để có phương án điều hành chính sách tiền tệ hợp lý.
"Nếu các chỉ số nêu trên diễn biến tích cực, thời gian tới NHNN có thể sẽ tiếp tục giảm lãi suất cả huy động và cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Cùng với đó là yêu cầu các TCTD tiếp tục giảm chi phí để giảm lãi suất hỗ trợ người dân", Phó Thống đốc NHNN chia sẻ.