Tồn kho giảm mạnh, thị trường bất động sản lo “đuối” nguồn cung

Tồn kho bất động sản tính đến 20/11/2017 đã giảm từ 102.800 tỷ đồng (thời điểm quý 1/2013) xuống còn 25.700 tỷ đồng, tương đương mức giảm gần 80%.

Thông tin trên được ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng đưa ra tại Hội thảo “Nhận diện cơ hội và rủi ro thị trường bất động sản năm 2018” do Tạp chí điện tử Cafeland tổ chức mới đây tại TP.HCM.

Khan hiếm nguồn cung, bất động sản tạo lập mặt bằng giá mới

Tại hội thảo, các chuyên gia đều đưa ra những dự báo lạc quan về kinh tế, thị trường bất động sản. Điểm sáng của thị trường bất động sản năm 2017 chính là tính thanh khoản tốt, giao dịch sôi động ở mọi phân khúc. Các dự án mở bán hầu hết đều tiêu thụ một cách nhanh chóng, thậm chí có những đợt sốt đất nền xảy ra tại vùng ven TP.HCM.

Nhờ điều chỉnh và can thiệp kịp thời, cơn sốt đã nhanh chóng hạ nhiệt. Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế là thị trường địa ốc năm 2017 đã thiết lập mặt bằng giá mới. Giá đất nền, căn hộ tăng từ 10 – 30%, thậm chí có nơi tăng trên 50% kể từ đầu năm đến nay. Dòng sản phẩm đất nền, căn hộ dưới 1 tỷ đồng gần như đã cạn kiệt về nguồn cung. Hiếm hoi lắm mới có dự án bán giá dưới 1 tỷ đồng như Saigonhomes của Công ty TNHH Nhà Sài Gòn, EHomeS Nam Sài Gòn của Công ty CP Đầu tư Nam Long… và đều nhanh chóng rơi vào tình trạng “cháy hàng”.

Thanh khoản tốt khiến tồn kho bất động sản giảm mạnh

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), tín dụng tăng trưởng đến hết tháng 11/2017 là 15,3%, dự kiến đến hết ngày 31/12 là 21%, nguồn này không sử dụng trong năm 2017 mà sẽ chuyển qua 2018 để thực hiện. Nguồn lực này cộng với tăng trưởng tín dụng tiêu dùng năm 2018 tăng trưởng rất mạnh sẽ góp phần “quét sạch” lượng tồn kho bất động sản.

Đây cũng là lý do khiến nhiều chuyên gia lo ngại, nguồn cung bất động sản năm 2018 sẽ rơi vào trạng thái khan hiếm, đẩy giá nhà lên cao, cơ hội tiếp cận nhà ở của người dân sẽ khó khăn hơn.

Theo nhận định của các chuyên gia, doanh nghiệp, hiện các phương thức phát triển sản phẩm bất động sản đều đang gặp khó. Quỹ đất sạch chủ yếu đến từ đất công đang bị siết chặt quản lý, hàng loạt các dự án “đắp chiếu” một thời cũng đều được các doanh nghiệp khởi động, bán sạch trong thời gian qua. Việc tạo lập dự án mới từ việc mua đất, thỏa thuận đều bù hiện nay thì được đánh giá là bất khả thi.

Sẽ khó xảy ra “bong bóng” bất động sản

“Thị trường có những biểu hiện tăng trưởng “nóng”, đầu cơ tăng giá, điển hình như đợt sốt đất nền ở vùng ven tại TP.HCM nhưng được xử lý kịp thời. Qua kinh nghiệm điều tiết thị trường vừa qua, Nhà nước đã có những bài học và công cụ quản lý hiệu quả để hướng thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững. Vì vậy, năm 2018 sẽ không xảy ra “bong bóng” bất động sản”, ông Khởi khẳng định.

Các chuyên gia đều có đánh giá rất lạc quan về thị trường bất động sản năm 2018


Nhận định này cũng được ông Lê Hoàng Châu chia sẻ với báo chí nhiều lần. Theo ông Châu, sẽ khó xảy ra “bong bóng” bất động sản vì các chủ thể tham gia thị trường đều đã thông minh hơn. Ngoài việc có sự can thiệp, điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước thì các doanh nghiệp cũng nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, định hình lại sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường và nhất là các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng tỉnh táo, am hiểu thị trường hơn.

Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế TS.Vũ Đình Ánh cho rằng: Thị trường bất động sản năm 2017 sẽ tốt hơn cả năm 2017 nhờ có nhiều yếu tố hỗ trợ, trong đó có chính sách nới lỏng tín dụng, các nghị định về quy hoạch, dự án sẽ được điều chỉnh hợp lý hơn.

Nhìn “bắc cầu” từ những tín hiệu tốt của nền kinh tế, PGD.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cũng cho rằng: Tăng trưởng kinh tế cùng nỗ lực cải cách mạnh mẽ của Chính phủ sẽ tạo niềm tin và hứng khởi cho các nhà đầu tư. Điều cần thiết lúc này là cải thiện chất lượng tăng trưởng để  tạo nên yếu tố nền tảng, tạo sự gia tăng của thị trường bất động sản gắn với sự bùng nổ các ngành, các luồng đầu tư.

"Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty trong đó có một phần không nhỏ dành cho bất động sản cũng sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư tham gia phát triển”, ông Thiên nói.

Không kém phần lạc quan, ông Neil MacGregor, Giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đang có những điểm hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Cơ cấu dân số với tỷ lệ hơn 70% là dưới 30 tuổi, nhu cầu cải tạo chỗ ở luôn ở mức cao là cơ hội lớn mở ra cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, thị trường vẫn có những rủi ro mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần nhìn nhận một cách thực tế. Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, khúc phân khúc có độ rủi ro cao hiện nay là thị trường nhà ở cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng. Theo ông Hiếu, hiện nay các chủ đầu tư đều cam kết mức lợi nhuận từ 8 đến 10%, thậm chí là 12%/năm cho các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên hiện nay có thực sự người mua nhận được đúng như mức cam kết hay không còn phải xem xét lại. Thêm nữa, vấn đề pháp lý của bất động sản nghỉ dưỡng cũng chưa được rõ ràng, chưa được luật quy định cụ thể, do đó người mua vẫn phải cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn đầu tư.

Ông Hiếu cũng cho rằng, vấn đề quan trọng để thị trường bất động sản phát triển bền vững và lành mạnh, cần phải đảm bảo sự minh bạch thông tin, cụ thể các thông tin về quy hoạch, giá cả đất đai, thủ tục hành chính cũng như các chính sách liên quan đến kinh doanh bất động sản, bảo lãnh ngân hàng…

"Chúng tôi đã nhiều lần cảnh báo về condotel, hometel và khuyến nghị các chủ đầu tư chuyển mạnh qua phân khúc nhà ở “hợp túi tiền” để có sự phát triển bền vững hơn", ông Lê Hoàng Châu khuyến nghị thêm.

Có thể bạn quan tâm