Tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết tại Hà Nội đạt gần 41.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, tổng giá trị hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2024 ước tính đạt 40.900 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khả năng tự cung ứng của thành phố đạt khoảng 20 – 70% nhu cầu.

Tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết tại Hà Nội đạt 40.900 tỷ đồng
Tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết tại Hà Nội đạt 40.900 tỷ đồng

Ngày 23/1, Bộ Công Thương làm việc với Sở Công Thương Hà Nội về công tác bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn đạt khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với Tết năm 2023. Khả năng tự cung ứng của Hà Nội khoảng 20 - 70% nhu cầu. Lượng hàng thiếu còn lại và các sản phẩm vùng miền phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trên địa bàn được khai thác từ các tỉnh, thành phố và nhập khẩu.

Từ tháng 10/2023, Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa với tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết phục vụ 3 tháng trước, trong và sau Tết gồm: 292,95 nghìn tấn gạo; 58,5 nghìn tấn thịt lợn; 19,5 nghìn tấn thịt gia cầm; 16,2 nghìn tấn thịt bò; 390 triệu quả trứng gia cầm; 325,5 nghìn tấn rau củ; 16,2 nghìn tấn thủy sản; 157 nghìn tấn trái cây…

Đặc biệt, Sở Công Thương đã phê duyệt 32 đơn vị tham gia chương trình cung ứng các mặt hàng bình ổn với hơn 14.535 điểm bán sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết 2024.

Đến nay, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7 - 25% tùy từng mặt hàng so với kế hoạch phục vụ Tết năm 2023. Tại các điểm bán hàng, lượng hàng hóa đã được tăng cường 15 - 50%, sẵn sàng phục vụ của người dân (trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm 90%).

Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời điểm hiện tại, giá bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Giá thịt lợn hơi có dao động tăng nhẹ so với tháng trước, giá rau ăn lá và rau trái mùa tăng nhẹ do ảnh hưởng của mưa dài ngày. Tuy nhiên, nguồn cung vẫn tương đối ổn định, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.

Hiện nay, hệ thống bán lẻ trên địa bàn đã tổ chức nhiều chương trình bán hàng với mức khuyến mãi hấp dẫn đối với các mặt hàng Tết như khuyến mãi giảm giá ưu đãi lên đến 50%, các lễ hội trái cây, dùng thử sản phẩm... góp phần tăng kích cầu tiêu dùng trên địa bàn dịp Tết 2024.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị của Hà Nội, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) đề nghị Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng như đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên thị trường.

Đồng thời, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc cung ứng mặt hàng gạo, thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán để có phương án đảm bảo nguồn cung với giá bình ổn theo đúng kế hoạch.

Bà Hiền cũng đề nghị Sở Công Thương Hà Nội theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời triển khai chương trình bình ổn thị trường. Tiếp tục làm công tác tuyên truyền về nguồn cung mặt hàng Tết, tránh việc đầu cơ, tích trữ, đẩy giá cao.

Ngoài ra, bà nhấn mạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung các mặt hàng được tiêu dùng nhiều nhất trong dịp Tết. Đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn, về khu công nghiệp, khu chế xuất để người dân có thể tiếp cận được nguồn hàng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, với giá cả hợp lý nhất.

Xem thêm

Câu chuyện thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn luôn là bài toàn khó giải quyết

Bất chấp truy quét, thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn tìm cách “vượt biên” vào Việt Nam

Nhiều năm qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm luôn là bài toán khó cho cơ quan quản lý cả nước. Mặc dù cơ quan chức năng tích cực ra quân thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh truy quét nhưng tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc vẫn tồn tại, là mối đe dọa thường trực của người tiêu dùng…

Có thể bạn quan tâm