Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 1/2024 đạt gần 30 tỷ USD

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 1/2024 (1 - 15/1), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 29,79 tỷ USD…

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 1/2024 đạt 29,79 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nửa đầu tháng 1/2024 đạt 29,79 tỷ USD

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan vừa công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 15 ngày đầu tháng 1 đạt 29,79 tỷ USD, giảm 0,6% so với kỳ trước. Cán cân thương mại thặng dư gần 400 triệu USD.

Cụ thể, xuất khẩu đạt gần 15,1 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 11 tỷ USD. Nửa đầu tháng 1/2024, có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may.

Điện thoại và linh kiện dẫn đầu với 2,86 tỷ USD, chiếm gần 19% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đứng thứ hai là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,24 tỷ USD, chiếm 14,85%.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và dệt may với các kết quả lần lượt là 1,63 tỷ USD, chiếm 10,8% và gần 1,3 tỷ USD, chiếm 8,55%. Như vậy, riêng 4 nhóm hàng chủ lực đã chiếm tới 53,2% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu trong nửa đầu tháng 1 đạt 14,7 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch của doanh nghiệp FDI đạt 9,48 tỷ USD.

Hai nhóm hàng nhập khẩu tỷ đô là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,27 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,92 tỷ USD.

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đang ghi nhận những yếu tố rủi ro khi đà hồi phục kinh tế thế giới vẫn khá mong manh.

Kinh tế toàn cầu năm 2024 chưa sáng hơn, sức mua hàng hóa vẫn chậm, hoạt động xuất khẩu càng thêm khó khi căng thẳng tại Biển Đỏ gây ảnh hưởng trực tiếp tới tuyến vận tải biển huyết mạch. Việc này đã đẩy chi phí vận chuyển hàng hóa sang các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Canada tăng mạnh.

Mới đầu tháng 1/2024, nhiều hãng tàu đã công bố tăng cước vận tải biển đối với hàng hóa xuất khẩu đi Hoa Kỳ, Châu Âu, Canada, với mức tăng từ 50%. Thậm chí tăng gấp đôi so với tháng 12/2023 khiến doanh nghiệp xuất khẩu đầy ắp nỗi lo.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp logistics cần theo dõi, cập nhật tình hình đến các doanh nghiệp để chủ động kế hoạch sản xuất, xuất nhập khẩu.

Đồng thời, tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung để hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng, tìm hiểu về phương thức vận chuyển đường sắt để có lựa chọn khác về phương thức giao hàng.

Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 681 tỷ USD, giảm 6,9% so với năm 2022. Xuất khẩu đạt 354,67 tỷ USD giảm 4,6%, nhập khẩu 326,37 tỷ USD, giảm 9,2%. Cán cân thương mại hàng hoá năm 2023 ước tính xuất siêu 28,3 tỷ USD.

Xem thêm

Xuất khẩu gạo và sầu riêng đón nhận kỷ lục lịch sử

Mặt hàng nông sản "hái ra tiền" cho xuất khẩu Việt Nam năm 2023

Năm 2023, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đón nhận rất nhiều tin vui với những kỷ lục mang tính lịch sử. Trong đó, thành tích của lúa gạo và sầu riêng đã khép lại 1 năm với những kết quả không thể đẹp hơn cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam…

Có thể bạn quan tâm