Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm gần 80% tổng vốn đầu tư. Điều này cũng cho thấy, nhu cầu mở rộng hoặc chuyển nhà máy sản xuất vào Việt Nam tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, để tiếp tục thu hút dòng vốn vào bất động sản công nghiệp, các đơn vị cung ứng cần phải liên tục đổi mới.
Số liệu mới nhất từ Bộ Xây dựng, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cả nước ở mức 90%, giá thuê tăng 5% theo quý. Một số loại hình mới như bất động sản công nghiệp may đo gồm nhà xưởng, nhà kho… còn ghi nhận tỷ lệ lấp đầy 95%, nâng vị thế cạnh tranh trực tiếp với các nước trong khu vực.
Đánh giá từ Colliers, bất động sản may đo hiện có nhiều lợi thế để phát triển như giá đất vẫn còn thấp so với khu vực, các nhà máy sản xuất đang ưu tiên một điểm đến ổn định thay vì đa dạng hoá sản xuất toàn cầu… Tuy nhiên, để bắt kịp cơ hội này trong thời gian sớm nhất, việc rút ngắn thời gian thủ tục, pháp lý từ phía khu công nghiệp là điểm cộng trong mắt khách thuê.
Ông David Jackson - Tổng Giám Đốc Colliers Việt Nam cho biết: "Một khu công nghiệp đảm bảo cung cấp các dịch vụ hỗ trợ như tư vấn pháp lý, thủ tục thành lập doanh nghiệp, xin giấy phép… sẽ nhận được tin cậy hơn nhiều đối với các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư có kế hoạch dài hạn tại Việt Nam mong muốn tiếp cận các thông tin quy hoạch, quy định và chính sách dễ dàng và đầy đủ".
Các chuyên gia nhận định, một trong những vấn đề được các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm khi đặt nhà máy hiện nay chính là cơ sở hạ tầng. Do đó, để đón đầu dòng vốn dịch chuyển, các địa phương, khu công nghiệp cần đẩy mạnh tính kết nối từ nhà máy sản xuất đến kho bãi hoặc khu vực cảng biển từ đó kéo giảm chi phí cho doanh nghiệp.
"Các khu công nghiệp xung quanh TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai… nếu hướng về cảng Cái Mép - Thị Vải thì chỉ có một đường độc đạo là đường bộ. Do vậy, nếu chúng ta cân nhắc tạo ra hành lang về đường sắt vận chuyển hàng hoá sẽ là lực đỡ rất lớn cho chi phí đầu vào các doanh nghiệp", Tiến sĩ Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Bộ phận đầu tư Savills Việt Nam nhận định.
Ngoài ra, Việt Nam có lực lượng lao động lớn, nhiều khoản đầu tư sản xuất mới và đang hướng đến nền kinh tế chuỗi giá trị nhưng vẫn thiếu nguồn lao động có tay nghề cao. Do vậy, muốn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cần đảm bảo số lượng lẫn chất lượng lao động, không quá chênh lệch so với khu vực.