TP. HCM không có căn hộ bình dân và trung cấp?

Theo thống kê của CBRE, trong quý II/2022, thị trường nhà ở TP HCM ghi nhận sôi động hơn khi đón nhận số lượng sản phẩm tăng cao đột biến so với cùng kỳ, đạt gần 13.000 căn. Tổng nguồn cung mới trong nửa đầu 2022 gần bằng nguồn cung mới cả năm 2021.
TP. HCM không có căn hộ bình dân và trung cấp?

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam đánh giá, điều này cho thấy thị trường có sức bật rất cao. Nhưng số lượng sản phẩm này chủ yếu tập trung ở các dự án lớn, tức số lượng dự án không có sự chuyển biến nhiều.

"Giá bán có xu hướng tăng cao. Hiện nay tại TP HCM không có căn hộ bình dân và trung cấp, nếu có thì nằm ở xa trung tâm. Nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án cao cấp và hạng sang đã đẩy giá bán căn hộ ở thị trường TP HCM tăng vọt", ông Kiệt cho biết.

Giá bất động sản liền thổ cũng ghi nhận tăng mạnh khi các dự án mới xác lập mức giá kỷ lục. Giá loại hình nhà phố và biệt thự tăng gần tương đương nhà phố thương mại nhờ nguồn cung mới giá cao. Nguồn cung sơ cấp giá phải chăng ngày càng khan hiếm.

Chuyên gia cho biết, nhu cầu nhà đầu tư ở phân khúc này lớn trong khi số lượng sản phẩm có giới hạn đã đẩy giá bán nhà liền thổ tăng “cao chót vót”. Giá sản phẩm trung bình 200 - 400 triệu đồng/m2, đặc biệt có những sản phẩm biệt thự lên đến 700 tỷ đồng/căn, tạo ra mức giá mới trên thị trường biệt thự TP. HCM.

Giai đoạn 2020 - 2021 thị trường chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi đại dịch, dự án không thể triển khai đúng tiến độ. Tuy nhiên, nguồn cung mới và doanh số bán dự kiến dần hồi phục trong năm 2022 và phục hồi hoàn toàn vào năm 2023.

CBRE dự báo, trong năm 2022 nguồn cung căn hộ tại TP HCM sẽ ở mức 22.000 - 24000 căn. Giai đoạn 2023 - 2024 sẽ đón nhận nhiều tín hiệu tích cực hơn khi có nhiều sản phẩm được chào bán.

Thống kê của DKRA mới đây cũng cho biết, nguồn cung căn hộ mới trong 6 tháng đầu năm 2022 tại TP HCM tăng mạnh, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021, nhưng chỉ tập trung cung cấp từ một dự án đại đô thị tại quận 9 cũ (TP Thủ Đức).

Ngoài ra hầu hết các dự án còn lại đều có số lượng mở giỏ hàng hạn chế, phổ biến dao động dưới 200 căn. Khu Đông duy trì vị trí dẫn đầu, chiếm 82% nguồn cung và gần 83% lượng tiêu thụ mới toàn thị trường.

Phân khúc hạng A tiếp tục dẫn dắt thị trường khi chiếm gần 78% nguồn cung và gần 78% lượng tiêu thụ mới toàn thị trường.

Mặt bằng giá bán sơ cấp căn hộ bình quân tăng khoảng 8 - 15% so với giai đoạn trước đó (cách nhau 3 - 5 tháng). Theo đơn vị này, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc chi phí nguyên vật liệu leo thang, siết trái phiếu, tín dụng bất động sản cũng như các chính sách bán hàng, hỗ trợ ân hạn nợ gốc, lãi vay của chủ đầu tư được cộng dồn vào giá bán.

Trong khi đó, giá bán thứ cấp phổ biến tăng 3 - 5% so với cùng kỳ năm trước, tập trung ở những dự án đã bàn giao nhà, hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện về trung tâm thành phố.

DKRA dự báo, sức cầu chung cũng như thanh khoản thị trường căn hộ TP HCM có thể tiếp tục bị ảnh hưởng trong 6 tháng cuối năm nếu động thái siết tín dụng bất động sản của các ngân hàng chưa có hướng tháo gỡ kịp thời.

Phân khúc căn hộ hạng A duy trì vị thế chủ đạo và dẫn dắt nguồn cung mới toàn thị trường. Dưới áp lực chi phí, đặc biệt là chi phí nguyên vật liệu, mặt bằng giá bán sơ cấp có thể sẽ tăng trong khi giá bán thứ cấp không có nhiều biến động. 

Xem thêm

Hóa giải nghịch lý, Đà Nẵng sẽ là thành phố đáng đến, đáng sống và đáng đầu tư

Hóa giải nghịch lý, Đà Nẵng sẽ là thành phố đáng đến, đáng sống và đáng đầu tư

Có dịch vụ hài lòng khách thập phương, nhưng lại thiếu chốn an cư với tiện ích đồng bộ cho người dân. Bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng phát triển có bề dày nhưng BĐS để ở thiếu hụt sản phẩm chất lượng. Giải được bài toán đó, Đà Nẵng mới hướng tới danh hiệu thành phố đáng đến, đáng sống và đáng đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…