Việc làm của UBND TPHCM xuất phát từ nhận định việc thực hiện xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách sẽ mang lại nhiều hiệu quả cho nguồn thu ngân sách, giải quyết được hài hòa lợi ích kinh tế giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân cũng như doanh nghiệp thụ hưởng.
Sớm thiết lập khu neo đậu vào các bến cảng trên sông Soài Rạp
Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã có công văn đề nghị Bộ GTVT, Cục Hàng Hải Việt Nam ủng hộ chủ trương nạo vét, thiết lập các khu neo đậu, chờ đợi cho tầu vào các cảng bến trên sông Soài Rạp theo hình thức XHH, tận thu sản phẩm bù chi phí. Đề nghị Bộ GTVT, Cục HH Việt Nam căn cứ vào tình hình khai thác hàng hải trên tuyến luồng Soài Rạp từ nay đến năm 2030, các điểm neo đậu, tránh trú bão, các bến phao, khu giảm tải đã được thiết lập trên luồng, tình hình xây dựng, khai thác hệ thống cảng biển và chuẩn tắc luồng Soài Rạp để làm cơ sở xem xét, đánh giá xác định vị trí, quy mô quyết định việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án.
Ngoài ra, UBND TP còn đồng ý chủ trương triển khai dự án xã hội hoá nạo vét khu neo đậu tránh trú bão trên sông Gò Gia, đoạn từ tim sông Tắc Ông Cu cắt sông Gò Gia về phía thượng lưu (tới lý trình 9,5 km) theo hình thức tận thu sản phẩm bù chi phí, không dùng ngân sách của Công ty TNHH Thành Hồng Phát làm chủ đầu tư. Đối với dự án xã hội hoá khác là nạo vét, duy tu, nâng cấp luồng sông Đồng Tranh và tuyến luồng Tắc Ông Cu - Tắc Bài đến sông Gò Gia theo hình thức tận thu sản phẩm bù chi phí, không dùng ngân sách đã triển khai thi công nạo vét từ năm 2016. Tuy nhiên, khu vực thi công có dấu hiệu sạt lở, xâm thực đất rừng phòng hộ. Do đó, UBND TP đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp các sở - ngành tại TP và các đơn vị liên quan đánh giá, xác định nguyên nhân sạt lở, xâm thực đất rừng phòng hộ Cần Giờ để làm cơ sở xem xét tiếp tục triển khai dự án này.
Tạo thuận lợi tối đa thủ tục cho nhà đầu tư
Xã hội hóa nạo vét khu neo đậu chờ đợi vào các bến cảng trên sông Soài Rạp mang lại lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp vận tải và nhà đầu tư. Đại diện của Công ty cổ phần đầu tư khai thác Cảng, chủ đầu tư dự án cho biết, giai đoạn 2 của dự án được thực hiện từ năm 2020-2024, tiếp tục nạo vét tại địa điểm nêu trên để đáp ứng cho tầu có trọng tải 50 nghìn tấn đầy tải và tầu có trọng tải 70 nghìn tấn vơi tải neo đậu. Hiện tại, khu nước cảng biển TPHCM, chưa có các khu neo đậu đáp ứng cho các tàu có trọng tải lớn, neo đậu chờ đợi qua luồng, chờ đợi vào các bến cảng.
Cảng vụ Hàng hải TPHCM phải phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu bố trí neo đậu tại các khu nước cảng biển Vũng Tàu. Khi luồng Soài Rạp được quan tâm đầu tư thì lượng tàu qua luồng này sẽ gia tăng nhanh chóng. Mặt khác, dự án sẽ hỗ trợ khai thác cho luồng Soài Rạp, nâng cao khả năng đón tàu cho luồng cũng như các bến cảng khu vực sông Soài Rạp và TPHCM. Trong điều kiện khai thác luồng Soài Rạp, lợi dụng mực nước cho các tàu lớn ra vào thì nhu cầu của khu neo đậu chờ tầu là rất cần thiết, ngoài ra dự án cũng sẽ góp phần nâng cao an toàn hàng hải cho khu nước cảng biển TPHCM.
Thực hiện dự án cũng nhằm xây dựng đồng bộ các công trình hàng hải, phục vụ nhu cầu phát triển ngành cảng biển của TP, khai thác hiệu quả các dự án đã được đầu tư, đóng góp vào động lực thúc đẩy sự hình thành khu đô thị cảng Hiệp Phước theo định hướng phát triển của TPHCM.
Theo đánh giá của Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Cảng- đường thủy thì việc nạo vét bãi cạn phía Nam của luồng Soài Rạp sẽ góp phần giảm được khối lượng bùn cát sa bồi vào luồng Soài Rạp dẫn tới giảm kinh phí nạo vét duy tu luồng Soài Rạp hàng năm, ngăn chặn giảm thiểu tình trạng khai thác cát trái phép. Dự án được triển khai còn là cơ sở để quản lý các đơn vị thi công có đăng ký cấp phép hoạt động, mang lại chất lượng thi công đảm bảo kỹ thuật môi trường an toàn hàng hải và không làm thất thoát các khoản thu thuế, phí của Nhà nước. Đồng thời nhà đầu tư có trách nhiệm tự bảo vệ mặt bằng dự án đã được giao. Mặt khác, sẽ tận thu được vật liệu nạo vét để làm vật liệu san lấp mặt bằng cho các công trình xây dựng tại TPHCM, Long An, Tiền Giang và các tỉnh lân cận khác, gỡ nút thắt khan hiếm vật liệu san lấp. Dự án được triển khai còn tạo công ăn việc làm cho 300 nhân viên của chủ đầu tư và nhiều lao động gián tiếp tại địa phương.
Tổng kết công tác XHH nạo vét duy tu luồng hàng hải của Cục hàng hải nhận định, chủ trương đúng nên bước đầu đã có hiệu quả đã tiết kiệm được khá nhiều kinh phí nạo vét, duy tu luồng hàng hải. Cơ quan Nhà nước đã quản lý được chặt chẽ nguồn kinh phí duy tu nạo vét, bảo vệ được môi trường và quan trọng nhất là khi luồng ổn định sẽ tác động rất tốt đến lưu thông hàng hải, tàu bè ra vào dễ dàng, đem lại rất nhiều lợi ích cho các chủ tàu, doanh nghiệp, nhà vận tải, chủ hàng... Từ việc chủ động được kế hoạch tàu ra vào, các doanh nghiệp vận tải biển sẽ tăng tính cạnh tranh và giảm chi phí vận tải.
Theo Cục HH Việt Nam, thực hiện Quyết định số 73/2013/QGG-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư hướng dẫn, công tác nạo vét duy tu đã có nhiều thay đổi tích cực, quá trình thực hiện đã rút gọn thủ tục, thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả rõ rệt; công tác quản lý của các cơ quan nhà nước được tăng cường, hạn chế tối đa tiêu cực, ngăn ngừa các hành động gây ô nhiễm môi trường. Cùng đó là Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 về việc quản lý các hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa, Thông tư số 35/2019/TT-33/2019/TT-BGTVT quy định về hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển ngày 9/9/2019, Thông tư số 33/2019/TT-BGTVT quy định về nạo vét trong vùng nước đường thủy nội địa ngày 6/9/2019 của Bộ GTVT...Các văn bản trên đã tạo hành lang pháp lý là cơ sở để xây dựng các hướng dẫn chi tiết về thủ tục, trình tự thực hiện.
Hy vọng các cơ quan quản lý liên quan đặc biệt ở địa phương sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy nhanh thủ tục hành chính, sớm triển khai dự án tại XHH nạo vét duy tu luồng hàng hải tại TPHCM và các địa phương.
Mỹ Ngọc