Trình Quốc hội xem xét điều chỉnh hiệu lực Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở tại kỳ họp thứ 7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc thi hành sớm (từ ngày 1/8/2024) đối với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại kỳ họp thứ 7
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại kỳ họp thứ 7

Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Trình bày tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết ngày 27/5, Chính phủ có tờ trình số 289/TTr-CP đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Các tổ chức tín dụng vào chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2024.

Nội dung cụ thể theo hướng điều chỉnh thời điểm có hiệu lực thi hành sớm hơn (từ ngày 1/8/2024) đối với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở.

Qua xem xét hồ sơ đề nghị xây dựng luật và ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc cần sớm triển khai thi hành các luật trên nhằm tháo gỡ các vướng mắc, đưa các chính sách mới đã được Quốc hội quyết định vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự án luật này vào chương trình năm 2024, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Để bảo đảm chất lượng ban hành luật, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan trong quá trình xây dựng dự án luật tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, đặc biệt là những tác động bất lợi (nếu có) để đề xuất giải pháp khắc phục phù hợp.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát kỹ các nội dung quy định chuyển tiếp tại 4 luật này và quy định tại các luật khác có liên quan chịu tác động của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành sớm 5 tháng để có phương án xử lý phù hợp.

Đồng thời, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm chất lượng, có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của các luật.

Báo cáo và làm rõ các vấn đề nêu trong báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, bảo đảm và chịu trách nhiệm toàn diện về điều kiện để các luật có thể triển khai thực hiện thông suốt, không để xảy ra vướng mắc do chậm trễ ban hành, thiếu các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, không gây ra các tác động tiêu cực đối với người dân, doanh nghiệp.

Như vậy, dự kiến điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 sẽ có nội dung gồm thông qua 10 luật (8 luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và 2 luật được xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật), 4 nghị quyết (trong đó có nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng) và cho ý kiến 12 dự án luật tại kỳ họp thứ 7; thông qua 12 luật (đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7) và cho ý kiến 12 dự án luật tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024); trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và thông qua 2 pháp lệnh.

Đối với dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, thông qua 12 luật (đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8), 1 nghị quyết, cho ý kiến 10 dự án luật tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), thông qua 10 luật (đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9), giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo thẩm quyền bổ sung các dự án trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10.

Có thể bạn quan tâm