Uber, Lyft và Nvidia bứt phá, trở thành động lực giúp Phố Wall phục hồi

Phố Wall phục hồi vào phiên 14/2 khi các nền tảng gọi xe như Lyft và Uber tăng mạnh, trong khi Nvidia soán ngôi Alphabet để trở thành công ty có giá trị thứ ba trên thị trường chứng khoán Mỹ…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Uber, Lyft và Nvidia bứt phá, trở thành động lực giúp Phố Wall phục hồi

Kết thúc phiên 14/2, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 0,40% lên 38.424,27 điểm, S&P 500 thêm 0,96% để đóng cửa ở mức 5.000,62 điểm và chỉ số Nasdaq leo 1,30% thành 15.859,15 điểm.

Trong số 11 chỉ số ngành thuộc S&P 500, có 9 chỉ số tăng, dẫn đầu là công nghiệp tăng 1,67%, tiếp theo là dịch vụ truyền thông tăng 1,42%.

Trước thềm báo cáo kết quả thu nhập vào tuần tới, Nvidia hiện đã vượt qua mức vốn hóa thị trường của Alphabet, ghi nhận con số 1,825 nghìn tỷ USD sau khi cổ phiếu của hãng sản xuất chip AI nổi tiếng này tăng 2,5% trong phiên 14/2.

Cổ phiếu Uber vọt thêm 15% lên mức cao kỷ lục nhờ kế hoạch mua lại cổ phiếu trị giá 7 tỷ USD. Đối thủ gọi xe Lyft cũng đã tăng 35% sau kết quả lợi nhuận vượt ước tính và cho biết họ sẽ tạo ra dòng tiền tự do dương lần đầu tiên vào năm 2024.

Hỗ trợ cho S&P 500, Meta Platforms và Tesla đều chứng kiến đà đi lên hơn 2%.

Super Micro Computer tăng hơn 11% nhờ những nguồn lợi nhuận gần đây liên quan đến AI của công ty cung cấp thiết bị máy chủ. Diễn biến này đã giúp chỉ số Russell 200 thêm 2,4%, mức tăng trong một ngày lớn nhất kể từ giữa tháng 12/2023.

Robinhood Markets leo hơn 13% khi báo cáo lợi nhuận quý 4 gây bất ngờ.

Các cổ phiếu tiền điện tử như Coinbase, Marathon Digital và Riot đều tăng mạnh 13% khi giá trị thị trường của bitcoin lần đầu tiên vượt qua 1 nghìn tỷ USD kể từ ngày 21/11/2023.

Các chỉ số chính của Phố Wall đã rơi xuống mức thấp nhất trong hơn một tuần vào 13/2 và Dow Jones đã có ngày tồi tệ nhất trong 11 tháng sau khi dữ liệu mới cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi trong tháng 1/2024 vẫn ở mức cao gần gấp đôi so với mục tiêu 2% của Fed, buộc các nhà đầu tư phải đánh giá lại kỳ vọng của họ về khả năng cắt giảm lãi suất.

“Bất kể lần cắt giảm đầu tiên là khi nào, thì tôi nghĩ thị trường nên suy nghĩ kĩ hơn về điều mà Fed đang lo ngại. Đó là khi cắt giảm quá sớm và sau đó phải tăng lãi suất trở lại. Đây có lẽ sẽ là một viễn cảnh thảm hoạ cho thị trường”, Jake Dollarhide, Giám đốc điều hành của Longbow Asset Management nhận định.

Mang đến một số tín hiệu tích cực hơn nhằm xoa dịu thị trường, Chủ tịch Fed khu vực Chicago Austan Goolsbee cho biết con đường quay trở lại mục tiêu lạm phát 2% của ngân hàng trung ương vẫn sẽ đi đúng hướng ngay cả khi CPI nóng hơn một chút so với dự kiến trong vài tháng tới.

Kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay đã thúc đẩy đà tăng ở Phố Wall trong những tháng gần đây, có thời điểm đưa S&P 500 lên mức cao kỷ lục.

Công cụ theo dõi CME FedWatch cho thấy các nhà giao dịch chủ yếu kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trước cuộc họp chính sách vào tháng 6 năm nay.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu chốt phiên 14/2 giảm điểm do báo cáo dự trữ dầu thô hàng tuần của Mỹ tăng mạnh và sản lượng nội địa cao kỷ lục đã phần nào làm giảm bớt các lo lắng về nguồn cung khi căng thẳng leo thang ở Trung Đông.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,4% xuống 81,60 USD/thùng, giá dầu WTI giảm 1,6% xuống 76,64 USD/thùng.

Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khoảng 12 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9/2, cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng 3,3 triệu thùng. Trong khi đó, sản lượng của Mỹ cũng ghi nhận mức cao kỷ lục 13,31 triệu thùng mỗi ngày.

Có thể bạn quan tâm