Kết thúc phiên 7/2, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 156,00 điểm (+0,40%) thành 38.677,36 điểm, S&P 500 thêm 40,83 điểm (+0,82%) đóng cửa ở mức 4.995,06 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite leo 147,65 điểm (+0,95%) lên 15.756,64 điểm.
S&P ghi nhận thêm một kỷ lục nữa khi đóng cửa ở mức cao trong khi Nasdaq vẫn kém gần 2% so với mức kỷ lục 16.057,44 điểm đạt được vào tháng 11/2021.
Trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500, có 9 lĩnh vực tăng giá, dẫn đầu là công nghệ tăng 1,4%, tiếp theo là tiêu dùng không thiết yếu tăng 1,1%. Lĩnh vực hoạt động yếu nhất trong chỉ số là hàng tiêu dùng thiết yếu, giảm 0,08%.
Chỉ số ngân hàng khu vực KBW đã giảm bớt một số khoản lỗ và đóng cửa ở trượt nhẹ 0,1% sau khi mất tới hơn 2% trong thời gian trước đó trong ngày.
Cổ phiếu của New York Community Bancorp đã phục hồi trong phiên giao dịch buổi chiều và đóng cửa tăng 6,7%, thoát khỏi mức giảm hơn 13% ban đầu. Chủ tịch điều hành mới được bổ nhiệm của tổ chức, Alessandro DiNello, đã tuyên bố sẽ cắt giảm hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bất động sản thương mại đang gặp khó khăn.
Chipotle Mexican Grill leo 7,2% sau khi công ty vượt ước tính của các nhà phân tích về lợi nhuận và doanh thu hàng quý nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với bánh burritos và cơm Mexico dù cho giá thành đã được đẩy lên cao hơn.
Cổ phiếu của Ford tăng 6% khi nhà sản xuất ô tô tăng cổ tức quý đầu tiên và quyết định giảm quy mô đầu tư vào công suất mới dành cho mảng xe điện đang thua lỗ.
Uber dự báo lợi nhuận cốt lõi hàng quý và tổng số lượt đặt chỗ cao hơn ước tính. Tuy nhiên, cổ phiếu của công ty chỉ nhích 0,3% do có sự trì hoãn các thông báo xung quanh kế hoạch phân bổ vốn cho đến 14/2.
Cổ phiếu của Snap lao dốc 34,6%, chạm mức thấp nhất trong hai tháng sau khi không đạt được ước tính doanh thu hàng quý khi công ty công nghệ phải chật vật để thúc đẩy lợi nhuận quảng cáo.
Cổ phiếu của VF Corp giảm 9,7% do không đạt được kỳ vọng về kết quả quý 3, trong đó thương hiệu giày thể thao Vans cũng thông báo Giám đốc tài chính Matt Puckett sẽ từ chức trong năm nay.
Theo dữ liệu của LSEG, với hơn một nửa số công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý, 81,2% vượt qua kỳ vọng về lợi nhuận.
Michael James, giám đốc điều hành giao dịch vốn cổ phần tại Wedbush Securities cho biết: “Phần lớn sự lạc quan xung quanh kết quả thu nhập tốt đã tiếp tục giữ cho thị trường trong xu hướng tích cực”.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,25 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,58 tỷ trong 20 phiên gần đây.
Vào Chủ nhật tuần trước, chủ tịch Fed Jerome Powell đã loại trừ khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 3 và hiện các nhà giao dịch đang tìm kiếm manh mối mới từ những quan chức Fed khác.
Trong khi đó, chủ tịch Fed Minneapolis Neel Kashkari dự kiến lãi suất sẽ được cắt giảm từ 2 đến 3 lần trong năm nay, nhưng Thống đốc Fed Adriana Kugler lại cho rằng cần có sự đảm bảo hơn nữa về xu hướng lạm phát trước khi hạ lãi suất.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng ở ngày thứ ba liên tiếp vào phiên 7/2 được thúc đẩy bởi tình hình dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến và căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 62 cent hay 0,79% ở mức 79,21 USD/thùng. Dầu thô WTI tăng 55 Cent, tương đương 0,75% lên 73,86 USD/thùng.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ xăng của nước này đã giảm 3,15 triệu thùng trong tuần trước so với ước tính của các nhà phân tích là tăng 140.000 thùng. Tồn kho sản phẩm chưng cất cũng thấp hơn 3,2 triệu thùng so với ước tính 1 triệu thùng.
Tuy nhiên, tồn kho dầu thô công bố mức tăng lớn hơn dự kiến là 5,5 triệu thùng do sản lượng phục hồi sau đợt rét đậm, trong khi các nhà máy lọc dầu của Mỹ tăng cường bảo trì.
Về phía nguồn cung, EIA đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng sản lượng dầu trong nước vào năm 2024 thấp hơn nhiều so với mức tăng năm 2023 và dự đoán sẽ chưa thể đạt mức kỷ lục của tháng 12/2023 cho đến tận tháng 2/2025.
Như mọi khi, thị trường đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ những diễn biến ở Trung Đông.
Timothy Snyder, chuyên gia kinh tế tại Matador, cho biết: “Có sự bối rối trên thị trường do các tín hiệu trái chiều từ Cục Dự trữ Liên bang… Dường như Fed đang chờ đợi quá lâu để nới lỏng chính sách, từ đó vô tình khiến yếu tố rủi ro quay trở lại thị trường”.
Về lâu dài, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết Ấn Độ dự kiến sẽ là động lực lớn nhất thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu từ năm 2023 đến năm 2030, có khả năng chiếm vị trí dẫn đầu từ nhà nhập khẩu hàng đầu Trung Quốc. Điều này xảy ra khi các nền kinh tế lớn đang gặp khó khăn, bao gồm cả Trung Quốc, làm giảm niềm tin vào triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu.