Vàng tăng lên mức cao nhất trong 1 năm khi lo ngại về kinh tế gia tăng

Vàng đã tăng mạnh trong phiên 13/4 khi dự đoán suy thoái kinh tế từ biên bản cuộc họp của Fed khiến các nhà đầu tư đổ xô đến kênh trú ẩn an toàn…
Vàng tăng lên mức cao nhất trong 1 năm khi lo ngại về kinh tế gia tăng

Trên thị trường thế giới, vàng giao ngay tăng 1,4% lên 2.042USD/ounce vào đầu giờ chiều 13/4 (giờ quốc tế). Đây là mức cao nhất kể từ tháng 3/2022 và thấp hơn khoảng 30 USD so với mức cao kỷ lục đạt được vào năm 2020. Giá vàng tương lai của Mỹ tăng 1,5% ở mức 2.055 USD. 

giá vàng
Diễn biến giá vàng thời gian qua

Lợi tức trái phiếu kho bạc và đồng USD suy yếu sau khi dữ liệu kinh tế mới chỉ ra rằng mức tăng giá sản xuất (PPI) trong tháng trước đã giảm bớt và số người xin trợ cấp thất nghiệp tăng lên, cho thấy việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách trong năm qua đã bắt đầu có tác động đến nền kinh tế.

Alexander Zumpfe, một đại lý kim loại quý tại Heraeus, cho biết: “Những dữ liệu kinh tế mới đã củng cố đánh giá của thị trường rằng chu kỳ tăng lãi suất của Fed sắp kết thúc, điều này khiến vàng trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư”. 

Hơn nữa, giá tiêu dùng của Mỹ gần như không tăng trong tháng 3 do chi phí xăng giảm, nhưng giá thuê nhà vẫn ở mức cao khiến áp lực lạm phát cơ bản vẫn còn “quá nóng”, theo nhận định từ nhiều nhà phân tích. 

David Meger, giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures, chia sẻ: “Sẽ là một môi trường cơ bản tích cực đối với vàng khi Fed hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất, tuy nhiên lạm phát nhìn chung vẫn cao hơn mức Fed mong muốn”. 

Nhận xét này được đưa ra sau khi biên bản cuộc họp tháng 3 của Fed chỉ ra rằng một số nhà hoạch định chính sách đã cân nhắc việc tạm dừng tăng lãi suất và dự đoán rằng căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng gần đây sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Vàng - kênh tài sản trú ẩn an toàn - thường có xu hướng tăng trong thời kỳ bất ổn về kinh tế hoặc tài chính, trong khi lãi suất thấp hơn cũng làm tăng sức hấp dẫn của kim loại quý. 

Tại Việt Nam, giá vàng trong nước tăng cùng chiều với thị trường thế giới vào sáng 14/4. Vàng miếng SJC của công ty vàng bạc đá quý JSC được giao dịch ở mức 66,6 triệu đồng/lượng mua vào và 67,2 triệu đồng/lượng bán ra; tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với ngày 13/4.

Trong khi đó, vàng Kim Tài Lộc và Kim Phát Lộc của Việt Á Gold đang được thu mua với mức 56,35 triệu đồng/lượng và bán ra mức 56,85 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng.

giá vàng

Giá vàng nhẫn tại Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) giao dịch ở mức 56,2 triệu đồng/lượng mua vào và 57,3 triệu đồng/lượng bán ra; tăng 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.

Sáng nay, Ngân hàng Vietcombank báo giá tỷ giá ngoại tệ tương đương 23.275 VND mua vào và 23.615 VND bán ra, giảm 5 VND.

Giá dầu đã giảm hơn 1 USD/thùng vào cùng ngày, do báo cáo của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) làm dấy lên lo ngại về nhu cầu trong mùa hè và các nhà giao dịch nhanh chóng chốt lời sau khi giá chuẩn tăng lên mức cao nhất trong nhiều tháng vào phiên trước đó. 

Dầu thô Brent giảm 1,24 USD, tương đương 1,4%, xuống mức 86,09 USD/thùng. Dầu West Texas Middle (WTI) của Mỹ giảm 1,10 USD, tương đương 1,3%, đóng cửa ở mức 82,16 USD/thùng.

OPEC đã đánh dấu những rủi ro suy giảm đối với nhu cầu dầu mùa hè trong báo cáo hàng tháng được công bố vào 13/4, nhấn mạnh vào tình hình hàng tồn kho gia tăng và những thách thức đối với tăng trưởng toàn cầu. Báo cáo làm sáng tỏ những lý do đằng sau việc cắt giảm sản lượng bất ngờ của OPEC+, bao gồm Nga và các đồng minh OPEC khác, công bố vào đầu tháng này.

Bất chấp sự sụt giảm của ngày 13/4, quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ đã đẩy giá dầu Brent tương lai tăng gần 8% từ đầu tháng cho đến nay. 

Trước đó vào 12/4, cả hai chỉ số chuẩn đều tăng 2% lên mức cao nhất trong hơn một tháng, nhờ các dự liệu kinh tế mới thúc đẩy hy vọng rằng Fed sẽ sớm ngừng tăng lãi suất.

Có thể bạn quan tâm