Báo cáo mới nhất của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tại Việt Nam số lượng cơ sở chăm sóc hay cung cấp dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi nói chung, số lượng cơ sở tư nhân nói riêng còn hạn chế so với tiềm năng.
Theo khảo sát và thống kê của Công ty bảo hiểm Bảo Việt (BVI), Việt Nam chỉ có 32/63 tỉnh có viện dưỡng lão trong khi tỷ lệ người cao tuổi sống cô đơn ngày càng tăng. Hiện tại cả nước chỉ có khoảng trên 400 viện dưỡng lão ở Việt Nam, với khoảng 50% là các trung tâm từ thiện hoặc trung tâm do nhà nước đầu tư.
Các cơ sở hiện nay chỉ đáp ứng cho một bộ phận người cao tuổi rất nhỏ ở khu vực đô thị. Bởi chi phí nhà ở tại nơi cung cấp cấp dịch vụ cũng như chăm sóc người cao tuổi tại các cơ sở tư nhân này còn cao so với mức thu nhập bình quân của Việt Nam, đặc biệt là thu nhập của người cao tuổi.
Do vậy, để đảm bảo đủ số lượng cơ sở và chất lượng chăm sóc cho người cao tuổi, VARS đề xuất Nhà nước cần xây dựng các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào công tác chăm sóc người cao tuổi, cụ thể là đầu tư phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi.
Thứ nhất, nghiên cứu chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phát triển nhà ở dưỡng lão trong một số năm đầu hoạt động để giảm chi phí và rủi ro tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Thứ hai, nhà dưỡng lão loại hình “nhà ở đặc biệt” nên cần một sự quan tâm đặc biệt. Giống như nhà ở xã hội, Nhà nước cần nghiên cứu cung cấp các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp hoặc không lãi suất cho các doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư xây dựng và vận hành nhà dưỡng lão. Tạo quỹ hỗ trợ từ Chính phủ để cung cấp các khoản tài trợ hoặc bảo lãnh tín dụng cho các dự án phát triển nhà dưỡng lão.
Thứ ba, cần có chính sách để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam thông qua các chính sách ưu đãi về thuê đất, chính sách thuế, phí, cải cách thủ tục hành chính...
Thứ tư, cấp đất hoặc cho thuê đất dài hạn với giá ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển nhà dưỡng lão, đặc biệt là tại các khu vực có nhu cầu cao. Giảm hoặc miễn các khoản phí liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các dự án xây dựng nhà dưỡng lão.
Thứ năm, xây dựng quy định pháp lý rõ ràng và minh bạch về tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động của nhà dưỡng lão.
Cuối cùng là khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) theo hướng mở rộng lĩnh vực đầu tư chăm sóc người cao tuổi, tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này, tận dụng nguồn lực của cả nhà nước và tư nhân trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ cho nhà dưỡng lão. Cho phép các doanh nghiệp tư nhân khai thác, vận hành các cơ sở chăm sóc người cao tuổi công lập sẵn có.
Về góc nhìn doanh nghiệp, bà Trần Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Diên Hồng chia sẻ, để đáp ứng được tốc độ già hóa của Việt Nam trong giai đoạn tới khi người cao tuổi tỷ lệ già hóa chiếm đến khoảng 11 %, đến năm 2030 phải lên tới 17 %, thì chắc chắn phải có sự chung tay của Nhà nước rất nhiều để hỗ trợ các viện dưỡng lão tư nhân phát triển.
"Chúng tôi rất mong Nhà nước hỗ trợ, động viên các doanh nghiệp khởi nghiệp ở lĩnh vực dưỡng lão để nhiều người già có thể hưởng những dịch vụ tiện nghi nhưng giá nó phải rất “mềm” vì hiện nay thu nhập của người Việt vẫn còn thấp", vị Phó Tổng Giám đốc nêu.
Ngoài ra, Nhà nước cũng xem xét xây dựng các chính sách thu hút nhân tài vào lĩnh vực điều dưỡng. Hiện nay, nguồn nhân lực này trong nước đang dần cạn kiệt, một phần vì công việc vất vả, phần nữa là thu nhập không cao.