Theo một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu Tokyo Shoko Research, số lượng các vụ phá sản trong ngành dịch vụ điều dưỡng ở Nhật Bản trong sáu tháng đầu năm 2024 đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, đạt kỷ lục 81 vụ, giữa bối cảnh giá cả tăng cao và thiếu hụt lao động.
Đây là con số cao nhất được ghi nhận kể từ khi hệ thống bảo hiểm chăm sóc sức khỏe dài hạn bắt đầu vào năm 2000.
Trước đây, số lượng phá sản cao nhất được ghi nhận là 58 vào năm 2020 trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
Trong số các doanh nghiệp phá sản, có 40 đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc điều dưỡng tại nhà, 25 cung cấp dịch vụ chăm sóc ban ngày hoặc chăm sóc trong thời gian ngắn và 9 là viện dưỡng lão. Cả ba lĩnh vực này đều ghi nhận số lượng phá sản cao nhất trong giai đoạn này.
Khoảng 80% các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc điều dưỡng, tức 64 trong tổng số, đều chỉ ra rằng lý do chính dẫn đến phá sản là lợi nhuận thấp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn chịu cảnh thiếu hụt nhân viên, chi phí tăng vọt và hiệu suất kinh doanh giảm, Tokyo Shoko Research lưu ý.
“Những công ty nhỏ và vừa sẽ khó có thể tồn tại trong tình hình cạnh tranh khốc liệt ngày nay”, một nhà phân tích từ công ty nghiên cứu nhận xét.
Đơn cử một cơ sở chăm sóc điều dưỡng ở thành phố Atsugi, tỉnh Kanagawa đã quyết định tạm ngừng nhiều dịch vụ của mình do khó khăn tài chính.
Đại diện từ công ty cho biết, chi phí tiện ích hàng tháng đã tăng hơn 140.000 yên (tương đương 860 USD) trong khi trợ cấp từ thành phố đã giảm và chính phủ sửa đổi tiêu chuẩn bồi thường cho các cơ sở.
Do đó, công ty buộc phải ngừng nhận một số bệnh nhân từ cuối tháng này. Trong đó có ông Yabe Yutaka, 65 tuổi, người bị mắc bệnh và thường đến cơ sở này mỗi tuần một lần để điều trị. Ông cho biết bản thân đang tìm kiếm một nơi khác chấp nhận đơn đăng ký của mình nhưng lo lắng liệu ông có thể tiếp tục điều trị hay không.
Theo giáo sư Hayasaka Toshihisa tại Đại học Toyo cho biết, hai loại hình kinh doanh chính vốn hỗ trợ hệ thống điều dưỡng của Nhật Bản - chăm sóc tại nhà và dịch vụ chăm sóc ban ngày - đang đối mặt với vô vàn thách thức. Nếu không sớm có biện pháp hỗ trợ, Nhật Bản có thể sớm mất đi các cơ sở chăm sóc cộng đồng, một rủi ro đặc biệt nghiêm trọng khi số lượng người cao tuổi đơn thân tại Nhật Bản tiếp tục gia tăng.
“Việc có hơn 80 viện dưỡng lão Nhật Bản phá sản trong thời gian là một hồi chuông cảnh báo về tình trạng căng thẳng của hệ thống chăm sóc sức khỏe dài hạn tại nước này. Cần có sự chung tay của chính phủ, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội để có những giải pháp hỗ trợ hiệu quả, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi và sự phát triển bền vững của hệ thống chăm sóc sức khỏe dài hạn.
Để bảo vệ người cao tuổi sống tại nhà, giáo sư Toshihisa kêu gọi chính phủ trung ương xem xét điều chỉnh linh hoạt các khoản trợ cấp chăm sóc y tế. Bên cạnh đó, ông cũng hối thúc các chính quyền địa phương nghiêm túc cân nhắc việc cung cấp các dịch vụ công thông qua việc hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ an sinh xã hội.