VDSC: Nếu ông Trump thắng cử, Ngân hàng Nhà nước có thể phải bán ngoại tệ để kìm đà tăng tỷ giá

Trong trường hợp DXY vượt đỉnh cũ vào tháng 11 khi ông Trump chiến thắng, áp lực tỷ giá sẽ gia tăng mạnh mẽ, có thể khiến Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp bán bớt dự trữ ngoại tệ để giữ đà mất giá của tiền đồng ở mức dưới 5%...

VDSC: Nếu ông Trump thắng cử, Ngân hàng Nhà nước có thể phải bán ngoại tệ để kìm đà tăng tỷ giá

Dựa trên báo cáo vĩ mô mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định rằng áp lực lên tỷ giá USD/VND trong thời gian gần đây chủ yếu bắt nguồn từ sự phục hồi của chỉ số USD-Index (DXY).

VDSC nhấn mạnh rằng tỷ giá USD/VND có mối tương quan chặt chẽ với chỉ số DXY. Theo mô hình hồi quy đơn giản, biến động của chỉ số DXY giải thích khoảng 39% biến động của tỷ giá USD/VND trong năm nay, tương tự như xu hướng năm 2023.

Hiện tại, dù chỉ số DXY đang trên đà tăng nhưng vẫn chưa vượt qua mức đỉnh cũ. Dựa trên mối tương quan này, các chuyên viên phân tích kỳ vọng rằng trong ngắn hạn, tỷ giá USD/VND có thể chạm lại đỉnh cũ và tiếp tục dao động quanh khu vực này.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định rằng sự phục hồi của chỉ số DXY trong tháng 10 được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố. Trước hết, nhà đầu tư lạc quan hơn về triển vọng kinh tế Mỹ nhờ các số liệu khả quan từ thị trường lao động và bán lẻ.

Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm xuống 4,1% trong tháng 9, từ mức 4,2% trong tháng 8, trong khi doanh số bán lẻ tăng 0,4% so với tháng trước, cao hơn mức tăng 0,1% trong tháng 8. Những con số này đã đẩy xác suất Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 11 lên 4,9%, theo công cụ FedWatch của CMEGroup (cập nhật đến ngày 26/10).

Bên cạnh đó, cuộc đua bầu cử Tổng thống Mỹ với khoảng cách ngày càng thu hẹp giữa hai ứng cử viên cũng góp phần nâng đỡ giá trị đồng USD. Ông Trump đã đưa ra các đề xuất thuế quan có thể dẫn đến áp lực lạm phát kéo dài, hỗ trợ sức mạnh cho đồng bạc xanh.

Ở một diễn biến khác, VDSC cho biết tỷ giá USD/JPY đã vượt ngưỡng 150 trong tháng qua, tăng 5,8% so với đầu tháng 10, do kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất bị dời lại sang năm sau.

Các chuyên viên phân tích cũng lưu ý rằng việc các ngân hàng trung ương lớn như ECB, BOE, và Ngân hàng Trung ương Canada trì hoãn cắt giảm lãi suất, cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng của Trung Quốc gần đây, đã góp phần làm tăng giá đồng USD. Cuối cùng, căng thẳng địa chính trị gia tăng tại các điểm nóng trên thế giới cũng là một yếu tố thúc đẩy sự lên giá của đồng USD.

Theo VDSC, trong ngắn hạn, diễn biến của chỉ số DXY có khả năng chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc bầu cử Mỹ sắp tới. Số liệu từ Bank of America cho thấy chỉ số DXY có xu hướng tăng trong khoảng 2 tháng trước bầu cử ở 10 trên 13 kỳ bầu cử trước đây tại Mỹ. Đặc biệt, khả năng chiến thắng của ông Trump tại các bang chiến địa đang tăng lên, có thể tạo đà cho DXY trước và sau kỳ bầu cử.

Ngoài mối liên hệ với DXY, tỷ giá USD/VND thường chịu tác động bởi nhu cầu ngoại tệ vào cuối quý 3 và đầu quý 4, khi các hoạt động trả nợ nước ngoài, nhập khẩu nguyên liệu, và chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI tăng cao, dẫn đến sự mất cân đối cung-cầu ngoại tệ trong nước, VDSC lưu ý.

Ngày 24/10, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bán USD để can thiệp nhằm kiềm chế đà mất giá của tiền đồng. Về cuối năm, dòng tiền từ kiều hối và xuất khẩu có thể hỗ trợ phần nào để giảm áp lực cung-cầu ngoại tệ.

Trong trường hợp DXY vượt đỉnh cũ vào tháng 11 khi ông Trump chiến thắng, áp lực tỷ giá sẽ gia tăng mạnh mẽ, có thể khiến Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp bán bớt dự trữ ngoại tệ để giữ đà mất giá của tiền đồng ở mức dưới 5%.

Hiện tại, dù tỷ giá đã tiến gần đến vùng đỉnh cũ, VDSC đánh giá rằng áp lực thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng từ các động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước là không lớn. Quan sát diễn biến bơm/hút ròng của Ngân hàng Nhà nước cùng với quy mô bán ngoại tệ những ngày gần đây, các chuyên viên phân tích cho rằng tác động lên thanh khoản chưa đáng kể.

Bên cạnh đó, quy mô hút ròng tổng thể hiện tại có thể thấp hơn so với giai đoạn tháng 5-6/2024. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt hơn trong phát hành tín phiếu, chọn kỳ hạn 14 và 28 ngày thay vì chỉ phát hành tín phiếu kỳ hạn 28 ngày như trước. Điều này đã giúp giảm dần lượng tiền hút ròng qua kênh tín phiếu trong các ngày gần đây.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện cân đối thanh khoản tiền đồng qua kênh cầm cố, khi bắt đầu bơm tiền trở lại hệ thống. Cuối cùng, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ổn định, với lãi suất cho vay qua đêm vào ngày 24/10 ở mức 3,68%/năm, giảm 76 điểm cơ bản so với cuối tháng 9, nhưng cao hơn khoảng 102 điểm cơ bản so với mức thấp nhất vào ngày 18/10.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...