Về quê với Tết

Về quê ăn Tết, trước hết là đặc quyền của những người có quê. Năm 1990, Tú - bạn gái cùng tuổi với tôi, bố mẹ đều sinh ra lớn lên ở Hà Nội, ông bà cụ kỵ đều gốc Kẻ Chợ, cho tôi biết điều ấy.
Về quê với Tết

Một điều đơn giản vô cùng nhưng không phải ai cũng biết. Nhà bạn ấy có những ba cô con gái, ai cũng xinh đẹp. Chỉ mỗi Tú lấy chồng xa, cách Hà Nội những 300 cây số, còn hai cô em gái làm dâu chỉ cách nhà vài cây số, mỗi khi nhớ mẹ giận chồng thì chỉ cần chạy một hơi từ phố này sang phố kia là đến.

Tết, vẫn thế, tức là chỉ chạy từ phố này sang phố kia, từ phố kia sang phố này, rồi hết Tết. Trong khi vợ chồng Tú và con gái thì rồng rắn lên tàu xuống xe về quê nội ăn Tết; ra Tết thì kể mãi không hết chuyện ba mươi làm gì, mùng một đi đâu, nấu món gì, ăn món gì, gặp ai, ai đến... Đến nỗi, hai cô em tóc tai son phấn ngất trời, cứ chép miệng so bì: “Chị sướng thế, bọn em quanh năm ở phố, lấy chồng cũng ở phố, Tết chẳng có quê để về, ba mươi mùng một vẫn nấu nấu ăn ăn hệt như mọi ngày!”

Sau này, nhà Tú kinh tế dư dả, vợ chồng lâu lâu lại dắt tay nhau đi du lịch nước ngoài, lại khiến nhiều bạn bè ghen tỵ. Nhưng đó là lúc bố mẹ chồng bạn ấy đã khuất núi.

Về quê không còn người thân, Tết về cũng vội vội vàng vàng. Quê mẹ không còn mẹ, Tết quê ắt cũng cũng khác. Bạn bè tôi có người thành tỷ phú Thủ đô, quan tâm đến nguồn cội gốc gác, vợ chồng dậy sớm từ 2-3 giờ sáng để chạy xe một mạch về quê, lên nhà thờ tổ thắp hương và đến thăm họ hàng chốc lát, rồi đi ngay trong ngày, không ngủ lại, cũng không vương vấn. Họ đã thành thị hóa rồi, khái niệm Tết quê đã không còn từ lâu.

"Về quê" của nhạc sĩ Phó Đức Phương hay "Neo đậu bến quê" của cố nhạc sĩ An Thuyên là một vài trong rất nhiều ca khúc viết về quê hương khiến nhiều người càng da diết nhớ quê, lưu luyến hồn quê. Có thể nói, nặng tình quê là tình cảm, là tâm lý phổ biến ở những người có tuổi. Ngoài một số ít người ra đi từ ruộng đồng, sau này thành ông trạng áo dài sống ly quê, thấy mình gắn bó với thị thành hơn là máu thịt với nơi chôn nhau cắt rốn; đa phần những người có gốc gác “nhà quê” thường mang cảm giác như “cá về với nước” mỗi khi hè về Tết đến. Một phản xạ như tất yếu ở những thời điểm đó là “về quê”. Chuyện những gia đình Hà Nội lũ lượt về Tết quê khiến 36 phố phường đông đúc và luôn trong tình trạng tắc đường bỗng hóa thênh thang, tạnh vắng hẳn dịp Tết những năm qua càng cho thấy rõ điều đó.

Về chứ nhất quyết không phải là đi. Không đi đâu bằng về quê.

Tất nhiên, trong số những người sống ở Hà Nội mà rời Hà Nội đi ăn Tết và chơi Tết nơi khác, đang gia tăng những gia đình chọn “đi” thay vì “về”. Hầu hết là những gia đình trẻ, gia đình trung lưu, gia đình không đặt nặng đạo lý truyền thống...

Vấn đề là cuộc sống thời hiện đại với những áp lực căng thẳng, ba ngày Tết là dịp để “xả hơi”, để “cân bằng”, để “nạp lại năng lượng”, để “bù đắp những khiếm khuyết tình nghĩa”, hay là để “thắp lửa”, để “cầu nguyện” v.v... Ai và ở đâu đáp ứng những tiêu chí đó, Tết sẽ được chọn cho nó. Về quê không còn là lựa chọn luôn luôn tối ưu, nhất là khi các bậc cha mẹ thời nay cũng “thoáng” hơn, chiều và chịu “nương theo” con cái hơn. Trong khi những đứa con của họ, không phải ai cũng chịu khó giữ và thực hiện chữ hiếu một cách máy móc. Và vì thế ngày nay “về quê” chỉ là một trong những phương án được gạch đầu dòng để lựa chọn trong các dịp nghỉ lễ, Tết... thay vì là phương án duy nhất, phương án số một với một số gia đình.

Dù vậy, “Tết là về” - về quê, ngoài chuyện đạo lý, phong cách sống, còn là một nhu cầu tình cảm khó có thể thay khác với một số người. Tôi từng biết, có những phụ huynh, con cái lớn rồi, vẫn coi Tết trong ngôi nhà của mẹ mới là Tết. Tết nào không về được ba mươi, mùng một, không chạy chân đất nhà trên nhà dưới được dăm ba ngày, trông mặt mũi cứ đăm chiêu hẳn đi, dù Tết phố phường lắm lúc còn tưng bừng quà quê hơn cả ở quê.

Tết là khi ký ức về những mùa hoa đào năm xưa nở bung từng cánh mỏng trong tâm hồn của những người hoài cổ. Nói hoa đào, là đào ta, hoa nhỏ, cánh đơn, màu hồng nhạt, nở lác đác sáng mùng một trong vườn, trước sân, khi những giọt sương năm mới còn đọng e ấp trên lá, trên cánh hoa; tuyệt nhiên không phải là đào bích, đào phai mà người Hà Nội cầu kỳ tuyển chọn.

Tôi nhớ, những năm 70, miền Bắc thật nghèo, Tết vì thế rất đơn sơ. Anh tôi kể, không chỉ ở quê, mà Hà Nội cũng vậy, có năm anh ở lại đón Tết cùng chú ruột, chỉ có mấy quả trứng vịt luộc lên. Sau giải phóng miền Nam, không phải thắt lưng buộc bụng để gửi gạo ra chiến trường nữa, nhưng những góc bếp ngày Tết vẫn rất sơ sài, kể cả những bữa tất niên chiều 30 hay bữa cỗ đầu năm mới... Những khái niệm liên quan đến tiệc tùng linh đình này nọ chỉ có trong phim ảnh, sách vở, chuyện kể. Nhưng không vì thế lũ trẻ con thành phố chúng tôi không giảm đi cơn thèm được về với Tết quê.

Về với Tết quê là về với căn bếp nghèo, với cây rơm cao vút ngày mùa và thấp dần từng ngày sau mỗi lần mẹ cời than đỏ lửa. Về với tiếng giã gạo khuya thì thụp, về với đêm bánh chưng tưng bừng ngõ xóm.

Về với những đĩa xôi trắng nho nhỏ đơm lưng chừng, không đầy đặn hoặc cao tú ụ như bây giờ, mà chỉ ngày giỗ và ngày Tết mới được nhìn thấy. Để có chúng, bác gái tôi cùng các chị dâu phải bận rộn với việc giã thóc nếp, sàng sẩy rồi đem ngâm từ tối hôm trước, rồi hì hục đặt chõ đồ xôi (bằng đất sét nung) lên bếp, dùng đất sét nhão đánh nhuyễn bịt vòng quanh chỗ nối nồi và chõ cho hơi nước không thoát ra ngoài. Do nắp chõ cũng bằng đất nung, không thể kín khít để giữ hơi lại, các bà phải cẩn thận lót lá chuối non trước khi đậy vung. Trong chõ, phải bẻ cong mấy sợi lạt giang để xuống sát đáy, khi gạo nếp gặp hơi nước bốc lên và chín dần thì được “xới” lên bằng cách dùng hai tay nâng dần hai đầu những sợi lạt lên kéo theo những tảng xôi nghi ngút... Căn bếp bắt đầu có Tết sớm từ phút xôi được dỡ ra rá, mùi thơm của xôi, của lửa, của lá chuối non hòa quyện, hấp dẫn, mời mọc. Nhưng xôi dẻo xôi thơm đến độ nào thì chỉ có thể cảm nhận bằng mắt, bằng tay, bằng hít hà, tuyệt nhiên không được nếm, được thử khi các bậc cha chú chưa hoàn tất việc thắp hương khấn vái tổ tiên trước ban thờ.

Ngày ấy, quanh bếp thường có những đứa trẻ quê lau chau, thèm Tết thèm xôi chẳng khác gì chúng tôi, nghẹo cổ nhìn như bị thôi miên vào đôi tay như có phép màu của các bà. Nhìn không chán. Thấy việc đồ xôi sao mà quan trọng. Trong mắt những đứa con gái mới đi học i tờ còn óng ánh cái gọi là “ước mơ”: “Chắc chắn mai sau mình cũng có thể vào bếp đồ xôi được như bà, như mẹ bây giờ!”

Giờ, thi thoảng mới bắc bếp đồ xôi; ngày thường cứ năm ngàn mười ngàn ra ngõ là có tới mấy loại xôi để chọn. Nào xôi ngô, xôi lạc, xôi đỗ, xôi xéo, xôi ruốc, lại còn có cả xôi thịt, xôi trứng, xôi gà, xôi lạp xường. Bánh chưng ăn quanh năm không chỉ cứ đến Tết mới được lại gần. Nhưng ký ức về những chõ xôi trắng bốc khói trong căn bếp tồi tàn ấy vẫn không thể nào rời xa tôi. Lạ lắm. Đến nỗi đến tận bây giờ mỗi lần cầm trên tay những hạt nếp cái hoa vàng tròn mẩy đều tăm tắp, tôi vẫn không thể nào quên được cái cảm giác hồi hộp nhớ tới những gương mặt đàn bà chất phác quê mùa má ửng đỏ trong ánh lửa bập bùng đưa tay miết lấy miết để những vệt đất sét dẻo quánh quanh đáy chõ trên bếp.

Tôi tin những ai đã từng được biết, được nếm trải những hạt xôi trong thập kỷ 70 sẽ không bao giờ quên Tết quê vì mùi xôi thơm nức bay ra từ bếp. Ai ơi bưng bát cơm đầy, với tôi là không phải là nỗi nhớ bát cơm ngày giáp hạt, bát cơm thuở ăn bo bo triền miên, mà là nỗi nhớ nắm xôi ngày Tết ở quê, cái nắm xôi mà “thằng Bờm có cái quạt mo” có thể sẵn sàng đánh đổi hơn mọi thứ trên đời!

Đêm ba mươi, pháo nổ đì đùng xóm trên xóm dưới. Lũ trẻ con căng tai đoán pháo nhà ai dòn nhất, dây pháo nhà ai dài nhất, tiếng pháo nhà ai to nhất. Rồi tranh nhau nhặt pháo điếc, pháo rụng ngòi. Manh áo mới ngày đó hiếm lắm, không phải nhà nào cũng sắm được. Cái nghèo đi vào ngày Tết cũng tự nhiên như những giọt sương mùa xuân. Bởi thế nên các cô gái cứ phải để dành chiếc áo lành lặn nhất để diện Tết. Còn đàn ông ở quê, trẻ già phần lớn xanh đều trong những trang phục bộ đội, thứ trang phục phổ biến của thập kỷ 70, 80. Cuối thập niên 80, những gia đình có người đi học, đi công tác ở Nga, có thêm những chiếc áo “bay” màu xanh cỏ úa để diện, được coi là “sang” nhất bấy giờ!

Hoa đào, bánh chưng và pháo hồng, câu đối Tết trên giấy đỏ, là Tết quê rực rỡ của rất nhiều bậc hoa niên hôm nay... Ai còn nhớ và ai đã quên, điều ấy thực ra cũng không quan trọng lắm. Vì Tết vẫn về bên ta, như một lời hẹn thầm kín, tri kỷ, trung trinh, giữ cho ta ngọn lửa hồng ấm áp nơi góc bếp, giữ cho ta ngọn khói bếp trắng ngoằn nghoèo bay lên trời chiều ba mươi, giữ cho ta giấc mơ áo mới má hây đỏ sáng mùng một...

Có một nơi để nhớ, một Tết để đợi, tại sao cứ để lại phố phường mà về, mà khôn nguôi nao nức mỗi độ xuân sang, là bởi thế!

Nhà thơ Trần Kim Hoa

Có thể bạn quan tâm