Vì sao ở Việt Nam, xe điện vẫn chưa thể thay thế được xe xăng?

Ngày càng nhiều hãng xe trên thế giới công bố các lộ trình về xe điện của mình nhưng các đánh giá cho biết xe điện chưa thể thay thế ngay xe xăng trong một sớm, một chiều vì những bất tiện mà nó mang lại.

Độ phủ sóng xe điện cao nhất hiện tại đang thuộc về khu vực Bắc Âu trong khi đó tính toàn Châu Âu thì phải đến tận năm 2030 thì một số hãng xe mới chấm dứt hoàn toàn việc sản xuất xe sử dụng động cơ đốt trong.

Ô tô điện đã trải qua gần 1 thập kỷ phát triển nhưng đến nay vẫn còn tồn tại những thách thức mà lớn nhất đó là giới hạn năng lượng của công nghệ pin nhiên liệu.

Các báo cáo khoa học chỉ ra rằng với loại pin lithium-ion tốt nhất hiện nay có mật độ năng lượng thấp hơn 13 lần so với xăng. Điều này có nghĩa là để xe điện hoạt động được trong một phạm vi chấp nhận được thì buộc lòng phải tăng không gian lưu trữ năng lượng cho pin và với lý do đó thì pin xe ô tô điện hiện tại được cho là còn quá cồng kềnh.

Trong tương lai, với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ thì pin của ô tô điện sẽ được cải thiện là điều chắc chắn nhưng rõ ràng sự bất lợi của pin so với xăng đang là hiện hữu. Với bình nhiên liệu xăng phổ biến của xe cá nhân ở vào mức từ 45-70 lít thì với mức tiêu thụ bình quân ở đường hỗn hợp là 7 lít/100km có thể thấy xe xăng có phạm vi hoạt động rất lớn và việc tiếp nhiên liệu cũng dễ dàng hơn rất nhiều trong khi đó pin ô tô hiện tại giúp chiếc xe hoạt động trong phạm vi trung bình chỉ là 350km, một số loại pin tốt được công bố ở mức 450km.

Thêm một bất lợi của xe điện nữa đó là chi phí sản xuất cho xe điện đang cao hơn đáng kể so với xe xăng và những nhà sản xuất ô tô là doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận và không khó để biết rằng những nhà sản xuất ô tô sẽ không từ bỏ một cách đột ngột xe xăng khi mà nó vẫn còn tạo ra lợi nhuận rất lớn.

Hạ tầng sạc xe điện cũng là một vấn đề cản trở lớn đối với loại xe này trong hiện tại khi sự tiện lợi là chưa đáp ứng được nhu cầu đối với người tiêu dùng. Con số về doanh số bán xe điện trên toàn thế giới có thể thấy rõ điều này.

Thị phần xe điện toàn cầu tăng trưởng rất mạnh với mức tăng gấp đôi năm trước nhưng thực tế vẫn chưa là thấm vào đâu. Theo số liệu từ công ty chuyên nghiên cứu, phân tích ngành công nghiệp ôtô Jato Dynamics thì doanh số bán xe điện năm 2021 tăng gấp đôi năm 2020 lên mức 4,2 triệu chiếc được bán ra nhưng mới chỉ chiếm 6% tổng lượng xe bán ra trên toàn thế giới.

Thị trường số một thế giới là Mỹ thì người sử dụng vẫn đặc biệt yêu thích các mẫu xe SUV và bán tải chạy nhiên liệu truyền thống cho thấy những thách thức còn rất nhiều với xe điện. Bên cạnh việc các nhà sản xuất ô tô đang đầu tư đáng kể vào phát triển xe điện thì họ vẫn đang song song phát triển hệ thống động cơ truyền thống. Đơn cử một số hãng như Nissan Leaf là chiếc xe điện hiện đại đầu tiên trên thị trường nhưng Nissan cũng đã đưa động cơ xăng nén biến thiên vào sản xuất; Ford Mustang và Chevrolet Camaro hiện đã được trang bị hộp số tự động 10 cấp để tối đa hóa hiệu suất.

Ngoài ra các loại động cơ lai cũng vẫn sẽ là đối trọng lớn và ngăn trở đáng kể việc xe điện phát triển nhanh hơn trong những năm tới. Ở Việt Nam, tình hình e là còn nhiều trắc trở hơn cho cuộc chuyển dịch từ xe xăng xe dầu sang xe điện.

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ “Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...), đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” và “phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông”".

Tuy nhiên, đến nay, theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, số lượng xe điện hóa (hybrid, plug-in hybrid, và xe thuần điện) ở Việt Nam hiện còn rất ít. Hầu hết lượng xe trên đều là nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe hybrid, xe plug-in hybrid, số xe chạy pin chiếm tỷ lệ còn nhỏ.

Theo đại diện Bộ Công thương, hiện tại, ngoài sự hạn chế về hạ tầng, chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hầu như chưa có. Xe điện đến nay mới chỉ nhận được ưu đãi về thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt, thấp hơn so với xe chạy xăng/dầu thông thường…

Quan trọng hơn, thói quen sử dụng xe xăng với sự thuận lợi của nó, đặc biệt là khi cần đổ xăng ở bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam, vẫn khiến xe xăng dễ lưu hành hơn hẳn. Không ai về thăm quê người yêu ở Hà Giang lại đợi về Hà Nội mới sạc được pin!

Có thể bạn quan tâm