Một HC vàng, một HC bạc và một kỷ lục Olympic. Xạ thủ 41 tuổi đã tạo nên đỉnh cao cho Việt Nam, và đây nên được xem là cơ hội cho sự trỗi dậy của một nền thể thao thay vì hào quang nhất thời
Cuộc sống bình lặng của Hoàng Xuân Vinh đã kết thúc trong cái ngày anh đưa viên đạn đến sát hồng tâm, ở chung kết nội dung 10m súng ngắn bắn hơi giúp thể thao Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử có một tấm HC vàng Olympic. Ngày trở về, anh sẽ được săn đón, được mời đến hằng hà sa số những bữa tiệc lớn nhỏ để mừng công và khen thưởng... Nhưng những gì diễn ra sau cơn cuồng loạn đó mới là quan trọng.
Những VĐV thể thao đỉnh cao, từng mang vinh quang về cho nước nhà, đã được đối đãi thế nào sau những ánh hào quang ? Nhiều cựu cầu thủ nữ phải đi bán bánh mì, những danh thủ một thời đi làm bảo vệ, sống lay lắt vì những rào cản của cuộc đời hoặc chìm vào quên lãng, dù lẽ ra họ phải là những kho tàng về truyền cảm hứng.
Những người như "nữ hoàng điền kinh" một thời Vũ Bích Hường, lẽ ra phải là biểu tượng thể thao, nay đang vật lộn với bệnh tật trong nỗi cô đơn. Ảnh: Lâm Thoả. |
Hình ảnh một người đàn ông cương nghị và lặng lẽ, giữa một rừng cao thủ vẫn hiên ngang phá kỷ lục Olympic, một tay đặt Việt Nam lên bản đồ thể thao thế giới như Xuân Vinh xứng đáng là tấm gương cho giới trẻ. Anh có đầy đủ chất liệu cho điều đó, với người vợ hiền cùng đàn con ngoan trong một gia đình hạnh phúc, nơi chồng mải miết phụng sự tổ quốc và vợ quán xuyến nhà cửa. Con đường đi lên đỉnh cao của anh cũng thật đặc biệt. Bởi anh đã thất bại quá nhiều trong quá khứ, từng giành HC bạc với một khẩu súng đi mượn, gục ngã trước đài vinh quang vì tai nạn súng cướp cò, bị gắn mác không vượt qua được bản thân trong giây phút then chốt... nhưng vượt qua tất cả, anh đã làm nên lịch sử.
Xây dựng hình ảnh Xuân Vinh làm một biểu tượng vừa hợp thời, lại vừa ý nghĩa. Giới trẻ đã thần tượng một anh chàng cứ ra bài hát mới là bị nghi đạo nhạc, những nhân vật showbiz luôn tràn ngập bê bối thì tại sao lại không thể ngưỡng mộ một VĐV thể thao có cả tài lẫn đức?
Xuân Vinh mang lại cơ hội tuyệt vời để bắn súng trở thành một môn thể thao phổ biến hơn tại Việt Nam. Ảnh: Reuters. |
Cách đây vài năm, nước Mỹ lên cơn cuồng bắn cung. Đấy là khi nhân vật Katniss Everdeen do diễn viên Jennifer Lawrence thủ vai oanh tạc phòng vé với loạt phim "The Hunger Games". Bộ môn bắn cung Mỹ đã không bỏ qua cơ hội tuyệt vời ấy để làm PR. Kết quả là trang thiết bị cho bắn cung luôn khan hàng, những nhà thi đấu mọc lên trên toàn nước Mỹ. Trong vòng hai năm, lượng người tham gia chơi môn này tăng gấp đôi.
Denise Parker, ba lần dự Olympic và hiện tại làm trưởng ban bắn cung của Ủy ban Olympic Mỹ, cho biết: "Bộ phim thật sự đã thay đổi môn thể thao của chúng tôi. Có rất nhiều bộ phim có liên quan đến cung tên trước đây, như Rambo chẳng hạn. Sau mỗi bộ phim như thế, lượng người tham gia chơi có tăng nhẹ. Nhưng đến khi Hunger Games ra đời thì mọi thứ thật sự thay đổi. Nhân vật chính Katniss vừa tự tin, vừa xinh đẹp, khi cầm cung tên trên tay lại thêm phần mạnh mẽ, quyết đoán. Điều ấy ảnh hưởng rất lớn đến các thiếu nữ mới lớn. Và lượng người tham gia chơi càng đông, khả năng bạn tìm ra những xạ thủ đạt trình độ Olympic càng cao. Trong tương lai hoàn toàn có thể có VĐV đoạt HC vàng Olympic chỉ vì đã xem Hunger Games. Đấy là một viễn cảnh thú vị".
Katniss chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, trong khi chúng ta đang có trong tay một Xuân Vinh bằng xương bằng thịt. Một chiến thắng rực rỡ rồi sẽ trôi qua rất nhanh, nếu chúng ta không biết tận dụng ngay thành tích ấy để mở rộng một môn thể thao. Phong trào bắn súng hơi một thời rộ lên, nhưng nay đã không còn nữa. Gầy dựng lại phong trào bắn súng, tìm tòi các VĐV là công việc khó. Nhưng công việc khó nhất, đó là nâng cao sự nhận diện của môn thể thao này, chẳng phải Xuân Vinh đã làm rồi đó sao? Ngân sách, sự quan tâm và đầu tư từ các Mạnh Thường Quân nên được rót vào những nơi như thế này, vì chính viên đạn của Xuân Vinh đã lần đầu tiên giúp bài quốc ca Việt Nam được cử lên giữa đại hội Olympic, chứ không phải quả bóng nhuốm màu tiêu cực của môn bóng đá nam.
Xuân Vinh hội đủ các chất liệu cần thiết để trở thành một nguồn cảm hứng lớn, tạo đà cho thể thao Việt Nam phát triển. Ảnh: Reuters. |
Và sau tất cả, đây không chỉ là chuyện của bắn súng. Năm 2014 Thạch Kim Tuấn trở về với tấm HC vàng thế giới. Nhưng sau hai năm, môn cử tạ đã đi đâu về đâu? Kim Tuấn, sau khi ăn uống, họp hành, khen thưởng rốt cục đã thất bại ở Olympic 2016 - một sân chơi mà nếu có sự đầu tư và chăm lo đúng mực, chính anh mới là người sáng cửa giành tấm HC vàng đầu tiên cho Việt Nam chứ không phải Xuân Vinh.
Thành công là điểm khởi đầu hay kết thúc, tất cả là do cách nhìn của một bộ môn nói riêng và một nền thể thao nói chung. Hãy để viên đạn của Hoàng Xuân Vinh là khởi đầu, chứ không phải là kết thúc.
Hoài Thương