Hội thảo tham vấn Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đầu tư công do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội tổ chức vừa diễn ra ngày 22/1 nhằm lấy ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật, dự kiến dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2019. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo tiếp thu chỉnh lý để hoàn thành dự án Luật.
“Đến nay, dự thảo đã thống nhất được nhiều nội dung, khắc phục tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đầu tư công, còn một số nội dung được các đại biểu quốc hội quan tâm, cần làm rõ, đặc biệt vấn đề đổi mới, phân công, phân cấp trong quản lý sử dụng đầu tư công hiệu quả”, ông Toàn khẳng định.
Chia sẻ về mục đích và tiến độ hoàn thiện dự án luật, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc xây dựng dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công; thay đổi cơ bản việc lập kế hoạch và thẩm định chương trình, dự án đầu tư công, tiếp cận theo thông lệ tốt trên thế giới.
Dự án Luật cũng nhằm hướng tới đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan trong quản lý đầu tư công. Góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chống thất thoát lãng phí dàn trải trong đầu tư công.
Liên quan đến quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, đại diện Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân cho biết, qua nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và các bộ, ngành, một số nội dung chính đã có sự thống nhất giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra.
“Về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, thống nhất phương án coi các dự án ODA như một dự án thông thường sử dụng vốn trong nước, theo đó áp dụng chung trình tự, thủ tục. Chỉ có 1 quy trình còn khác biệt là quy trình đề xuất dự án (giai đoạn đầu tiên của dự án), Dự thảo Luật đang đề xuất cả 2 bộ (Kế hoạch & Đầu tư và Tài chính) cùng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt đề xuất dự án ODA, sau khi thảo luận đã thống nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì trình nội dung nêu trên”, ông Phương cho biết.
Cho ý kiến về kế hoạch đầu tư công 3 năm cuốn chiếu, một số ý kiến cho rằng, thiết kế kế hoạch 3 năm là không cần thiết, có thể phải làm việc nhiều hơn, nhiều thủ tục hơn, trong khi đã có kế hoạch trung hạn 5 năm. Sau khi thảo luận đã thống nhất việc lập kế hoạch 3 năm chỉ mang tính chất tham khảo như kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm.
Cũng tại hội thảo, một số nội dung đã được Ban soạn thảo đưa ra lấy ý kiến lần này, đó là có nên tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Có ý kiến cho rằng, tách là không cần thiết hoặc nếu tách có thể bị lạm dụng, giải phóng mặt bằng xong nhưng không thực hiện dự án…
Bên cạnh đó, vẫn còn một số một số nội dung còn quan điểm khác nhau như định nghĩa nguồn vốn đầu tư công ngoài ngân sách nhà nước (tại Luật hiện hành là vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước).
Có ý kiến cho rằng, định nghĩa hiện nay là chưa rõ ràng, không bao quát, cần liệt kê đầy đủ là nguồn nào, hoặc có thể không quy định nguồn vốn này trong Luật. Tuy nhiên, một số cơ quan Chính phủ cho rằng, việc có quy định để quản lý nguồn vốn này là cần thiết, đồng thời, thiết kế quy trình dự án và kế hoạch trong dự thảo Luật đã phân cấp triệt để, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, tạo thuận lợi trong triển khai. Vấn đề còn lại là tìm được một khái niệm phù hợp, có tính bao quát nhất mà không cần thiết phải liệt kê, kiểm đếm là nguồn vốn nào.
Thứ hai, liên quan đến thẩm quyền quyết định, nội dung xây dựng, triển khai, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với thẩm quyền tương ứng, danh mục dự án...
Một số ý kiến cho rằng, việc xác định ngay từ đầu danh mục dự án trung hạn như hiện nay là không khả thi, không hiệu quả, công tác chuẩn bị đầu tư vội vàng, thậm chí là hình thức, đánh trống ghi tên và rất cứng nhắc, không phù hợp với diễn biến tình hình thực tế của cả nền kinh tế, của từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Hiện nay, chưa thống nhất được phương án cấp thẩm quyền nào quyết định danh mục dự án thuộc kế hoạch trung hạn (3 cấp: Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành địa phương), mỗi cấp quyết định đều có ưu nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào định hướng quan điểm xây dựng luật là phân cấp, hậu kiểm thì phương án phân cấp triệt để là phù hợp, các cơ quan cấp trên làm công tác hậu kiểm, giám sát.
Giám đốc điều hành danh mục dự án, Ngân hàng Thế giới Achim Fock khuyến nghị, để các dự án đầu tư công hoạt động hiệu quả, trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng danh mục các dự án đầu tư công đầy đủ nhằm giảm chi phí thủ tục cho các nhà đầu tư. Đối với hiệu quả liên quan đến từng dự án riêng lẻ, cần chi tiết rõ hơn trong Luật hay các Nghị định hướng dẫn thi hành.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, Luật Đầu tư công sửa đổi lần này cần tập trung vào tháo gỡ những khó khăn trong việc định nghĩa nguồn vốn đầu tư công ngoài ngân sách nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả của các dự án, theo đó nguồn vốn dành cho đầu tư công cần phải có quy trình quản lý và cần có những phân cấp cụ thể.
Theo Hiếu Minh/Báo Đầu Tư