Ngày 17/1, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội - HBA và Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD đã tổ chức chương trình gặp mặt đối ngoại chào năm mới 2024 - Xuân Giáp Thìn.
Phát biểu tại chương trình, bà Pauline Tamesis, điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đã chuyển mình thành một trong những nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Vị trí chiến lược, lực lượng lao động trẻ và cam kết cải cách kinh tế của Việt Nam đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp.
Liên Hợp Quốc đánh giá cao cam kết của Việt Nam đối với hợp tác toàn cầu và chủ nghĩa đa phương, định hình các chương trình nghị sự khu vực và thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia.
Đồng thời, Việt Nam cũng đã tích cực theo đuổi tự do hóa thương mại và đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, mở cửa thị trường mới, tăng cường tiếp cận hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, kích thích tăng trưởng kinh tế.
Nhờ đó, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc cải thiện mức sống và đưa hàng triệu người thoát nghèo với tầm nhìn trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tầm nhìn này đã thúc đẩy cam kết của Việt Nam nhằm đạt được chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Liên Hợp Quốc đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và các đối tác về sáu ưu tiên và khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững gồm: hỗ trợ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng; quản lý nguồn lực hiệu quả; thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu thông qua kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đảm bảo rằng mọi người là trung tâm của mọi quyết định, chính sách và hành động.
Nhằm khuyến khích sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy các ưu tiên mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, bà Pauline Tamesis đã đưa ra ba ý tưởng nhanh.
Thứ nhất, điều chỉnh các hoạt động, chiến lược và thực tiễn với mục tiêu phát triển bền vững. Các hành động bao gồm giảm lượng khí thải carbon, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm, đảm bảo thực hành lao động công bằng bao gồm trả lương thỏa đáng cho việc làm thỏa đáng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Tóm lại, tích hợp các thực hành bền vững vào các mô hình kinh doanh cốt lõi, chuỗi cung ứng và giá trị.
Thứ hai, đầu tư vào các dự án có tác động tích cực đến xã hội và môi trường. Doanh nghiệp có thể và nên thúc đẩy phát triển bền vững.
Thứ ba, thúc đẩy đổi mới và hợp tác vì sự bền vững, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mới nhằm giải quyết các thách thức xã hội liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững.
Bằng cách nắm bắt các phương thức hoạt động, kinh doanh bền vững, khu vực tư nhân có thể đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, tạo ra giá trị cho các cổ đông và xã hội, cũng như bảo vệ hành tinh.
Cuối bài phát biểu, bà Pauline Tamesis đã nêu thông điệp: “Cùng nhau chúng ta hãy chung tay vì một tương lai toàn diện và bền vững hơn”.