Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 400 tỷ USD

Đây là phát biểu của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề “Đồng hành và phát triển” vào sáng 16/10…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, khu vực đầu tư nước ngoài được xác định có vai trò quan trọng trong nền kinh tế; được khuyến khích phát triển bình đẳng; được đối xử công bằng, nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư.

Hiện nay, bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến hết sức khó lường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo. Bối cảnh này càng tác động mạnh mẽ đến chuỗi cung ứng hàng hoá, an ninh năng lượng, an ninh lương thực; cũng như dòng FDI toàn cầu. Các tập đoàn đa quốc gia đang tái cơ cấu và tái định vị chuỗi sản xuất, dịch chuyển dòng vốn về các khu vực, các nước ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội.

Đứng trước những vấn đề toàn cầu và thách thức chưa từng gặp phải, với sự ứng xử kịp thời, quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả từ quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý trong lĩnh vực bất động sản; hỗ trợ khôi phục thị trường du lịch; áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi nhằm tiết giảm chi phí, hạ lãi suất vay vốn…

Đồng thời, xác định điểm thống nhất cốt lõi là đưa Việt Nam thành một điểm đến thân thiện, an toàn với cộng động nhà đầu tư. Đây là những tiền đề căn bản để Việt Nam đã được nhiều kết quả khả quan trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 9 tháng/ 2023, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường; mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, vừa giúp kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu tín dụng của nền kinh tế; bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Cùng với đó, cán cân thương mại xuất siêu 21,6 tỷ USD; vốn FDI đăng ký đạt 20,2 tỷ USD, tăng 7,7%, trong đó số dự án mới tăng 66,3%, dự án tăng vốn tăng 21,5%. Tính lũy kế đến tháng 9/2023 đã có 144 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 38,3 nghìn dự án, tổng vốn đầu tư hơn 455 tỷ USD.

“Hiện nay, Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN với quy mô GDP trên 400 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam cũng được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong thu hút FDI”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Với những kết quả tích cực nêu trên, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế và nâng hạng tín nhiệm.

Song, phương châm chỉ đạo của Thủ tướng: "Nhìn nhận thẳng thắn, đánh giá trung thực, điều hành linh hoạt, giải pháp kịp thời", Việt Nam đã nhận diện các thách thức, khó khăn nội tại như: quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn; năng lực nội tại, khả năng chống chịu của nền kinh tế, chủ động thích nghi và ứng phó với biến động mới và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức cũng đồng thời tạo áp lực thúc đẩy đổi mới tư duy, sáng tạo, kiến tạo tầm nhìn mới; từ đó, mở ra những cơ hội mới và động lực mới trong hợp tác phát triển. Cơ hội của Việt Nam cũng là cơ hội phát triển của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.

Có thể bạn quan tâm