Việt Nam chiếm 15% tổng thị trường mua sắm trực tuyến tại ASEAN. Hiện chỉ xếp sau Thái Lan (16%) và ngang hàng với Philippines.
Theo đó, Việt Nam vượt trội về lượng đơn hàng mua trực tuyến với trung bình 104 lần/người/năm. Trong khi đó, con số trung bình của người dùng 6 quốc gia được khảo sát là 66 lần/năm. Cụ thể, mỗi năm người Thái Lan mua 75 đơn, người Philippines: 58 đơn, người Singapore: khoảng 52 đơn...
Chi tiêu dành cho mua sắm trực tuyến cũng có xu hướng tăng lên. Sách trắng Thương mại điện tử năm 2021 do Bộ Công Thương công bố cho thấy, trong khi tỷ lệ khách hàng chi dưới 1 triệu đồng để mua sắm trực tuyến giảm từ 26% năm 2019 xuống chỉ còn 16% vào năm 2020, thì tỷ lệ mua sắm 1-3 triệu đồng, 3-5 triệu đồng và trên 5 triệu đồng được ghi nhận tăng cao.
Các loại sản phẩm được người Việt Nam lựa chọn nhiều là ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), giày dép và thời trang.
Đáng chú ý, trong nửa đầu năm 2021 vừa qua, Việt Nam đã có thêm 8 triệu khách hàng mua sắm trực tuyến mới, với 55% đến từ khu vực thành thị. Những người mua sắm trực tuyến thuộc nhóm có hiểu biết và kinh nghiệm cao; độ tuổi trung bình của khách hàng trên các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam là 36.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người mua sắm tại cửa hàng (offline) giảm từ 76% năm 2019 xuống 67% vào cuối năm 2021, theo báo cáo của PwC, trong khi mua hàng qua các nền tảng trực truyến và điện thoại thông minh (online) tăng từ 55% lên 69%.
Thống kê cho thấy, 38% số người tham gia khảo sát cho rằng giao hàng miễn phí là động lực quan trọng để mua hàng online. Phần lớn khách hàng lựa chọn mua sắm online vì tiết kiệm hơn các hình thức khác.
“Tuy nhiên, ngoài lợi thế giá bán, trải nghiệm trên các nền tảng thương mại điện tử đang không được quan tâm đúng mức”, DPD Group đánh giá.