Việt Nam sẽ vượt Mỹ để là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Hàn Quốc

Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc dự báo, Việt Nam sẽ trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc.
Việt Nam sẽ vượt Mỹ để là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Hàn Quốc

Tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc là rất lớn (Ảnh minh họa: Yonhap News)

Bệ phóng từ FTA

Tờ Yonhap News vừa đăng tải báo cáo của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho hay, thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc dự kiến sẽ vượt ngưỡng 100 tỷ USD trong năm 2020.

Báo cáo của KITA cho biết, Việt Nam đã vượt qua Hong Kong (Trung Quốc) trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc, chỉ xếp sau Trung Quốc và Mỹ, trong năm 2017, tăng 3 bậc so với năm 2014.

Theo dự báo của KITA, Việt Nam sẽ vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc vào năm 2020 nhờ việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do song phương (FTA).

Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam trong suốt hơn 10 năm qua liên tục tăng. Hàng xuất khẩu của Hàn Quốc chiếm 8,5% trong tổng số lượng hàng nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2007, và tỷ lệ này đã tăng vọt lên mức 22,1% trong năm ngoái.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ tháng 12/2015 với việc Hàn Quốc cam kết cắt giảm 95,4% dòng thuế, đổi lại, Việt Nam cam kết cắt giảm gần 90% dòng thuế quan.

Theo báo cáo trên, thương mại Việt – Hàn đạt nhiều kết quả tích cực là nhờ FTA giữa hai nước có hiệu lực từ tháng 12/2015. Trong vòng hai năm sau đó, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam đã tăng 60,5%, trong khi nhập khẩu cũng tăng hơn 61%.

Mặc dù tổng lượng hàng xuất khẩu của Hàn Quốc sang Việt Nam đã sụt giảm trong hai năm 2015 và 2016 nhưng xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này sang Việt Nam trong các năm đó đã tăng lần lượt 24,2% và 17,5%.

Chuyên gia nghiên cứu của KITA Chung Kwi-il cho rằng, Hàn Quốc có tiềm năng lớn trong việc thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng sang Việt Nam. Ở chiều ngược lại, hàng hóa Việt Nam cũng rất rộng cửa khi sang Hàn Quốc.

Hàn Quốc là thị trường tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng nhãn hiệu hàng hóa thuần Việt trên thị trường Hàn Quốc chưa nhiều. Hiện chỉ có sản phẩm cà phê Trung Nguyên G7 có mặt tại các hệ thống phân phối lớn tại Hàn Quốc; còn một số sản phẩm như: Phở Xưa và nay, tương ớt Trung Thành, nước mắm Nam Ngư… được bán ở những hệ thống phân phối không chính thức.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh, mặc dù được hưởng ưu đãi thuế quan nhưng hàng nông sản Việt Nam luôn bị kiểm tra một cách nghiêm ngặt. Điều này khiến nông sản Việt được nhập khẩu vào Hàn Quốc với số lượng rất hạn chế, tập trung vào một vài loại như: thanh long, dừa, xoài, ổi, chuối, cà rốt, bông cải xanh, cải thảo… Đối với các loại rau quả chế biến, nhà máy cung cấp thì phải đạt được các tiêu chí theo giấy chứng nhận xuất khẩu do phía Hàn Quốc cấp.

Theo ông Phạm Công Thạch, Giám đốc Công ty cổ phần phân phối Hapro, đơn vị này rất muốn đưa các mặt hàng như tỏi bóc, cà rốt sang Hàn Quốc nhưng trong năm qua lại chưa xuất khẩu được sang thị trường này bởi Hàn Quốc vẫn bảo hộ sản phẩm của họ nhiều hơn.

Ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng vụ thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương cho rằng, để hàng nông sản Việt Nam có thể tiếp cận thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp cần chú trọng và quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, thiết kế, bao bì, hợp tác và tham gia vào chuỗi giá trị của các nhà phân phối lớn đang chi phối thị trường Hàn Quốc.

Hơn 700 dòng thuế nhập khẩu từ Hàn Quốc về 0%

Mới đây, Nghị định số 149/2017/NĐ-CP của Chính phủ, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc (VKFTA) giai đoạn 2018-2022 đã thay thế Nghị định 131/2016/NĐ-CP ban hành trước đó. Theo Biểu thuế này, từ đầu năm 2018 có 704 dòng thuế chính thức về 0%.

Nhóm hàng xóa bỏ thuế quan từ Hàn Quốc về Việt Nam tập trung vào hàng thủy sản, bột mỳ, chế phẩm bánh kẹo, nhiên liệu diesel, nhiên liệu bay, sơn, chế phẩm giặt tẩy, nhựa, sắt thép và sản phẩm sắt thép, máy móc thiết bị điện, điện tử.

Tính đến dết năm 2017, Hàn Quốc là thị trường có kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều lớn thứ 2 sau Trung Quốc.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt – Hàn đạt 61,5 tỷ USD, tăng trưởng 41,3%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 14,8 tỷ USD, tăng 30%, nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 46,7 tỷ USD, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước.

"Về đầu tư FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam, năm 2017 Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn thứ hai (sau Nhật Bản) với số vốn đăng ký 8,49 tỷ USD.

Nếu tính số vốn lũy kế, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất trong tổng số 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký lũy kế đạt 57,7 tỷ USD.

Theo Vov

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...