Việt Nam trở thành điểm sáng về thu hút FDI nhờ tham gia các FTA

Việc tham gia ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA hay quy mô lớn như RECP đã đưa Việt Nam trở thành một nơi thuận lợi cho đầu tư quốc tế bất chấp đại dịch Covid-19.

Những con số ấn tượng!

Năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt 28,53 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 19,98 tỷ USD, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính lũy kế đến ngày 20/12/2020, cả nước có 33.070 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 384 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 231,86 tỷ USD, bằng 60,4% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Đã có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong năm 2020. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 9 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,46 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp đến là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông,…

Triển vọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam năm 2021 là rất sáng sủa trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lớn, vừa và nhỏ từ các quốc gia phát triển dần chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/04/2021 đạt 12,25 tỷ USD, bằng 99,3% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Dù sự hiện diện của các nước phương Tây trong số các đối tác FDI hàng đầu vẫn còn khá thấp, nhưng hiện Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn FDI chất lượng cao, sau những giai đoạn căng thẳng đầu tiên của đại dịch Covid-19, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào nước ta nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Việt Nam vì thế trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá đón dòng vốn dịch chuyển này.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam quý 1/2021 đã tăng mạnh, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, điển hình như từ Hoa Kỳ tăng 205,5%; Nhật Bản tăng 147,7%; Hàn Quốc tăng 67,1%.

Bên cạnh đó, có thể thấy sự thành công của Việt Nam trong cuộc đua vào top đầu thế giới về thu hút vốn FDI thời gian qua còn nhờ vào một số yếu tố khác. Đó là, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao về vấn đề ổn định chính trị - xã hội là một trong những yếu tố góp phần quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế.

Sự ổn định chính trị – xã hội ở Việt Nam đã tạo được niềm tin mạnh mẽ với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Các nhà đầu tư sẵn sàng huy động vốn để gia tăng đầu tư, mở rộng sản xuất. Ngoài ra, việc đạt tăng trưởng dương trong năm 2020, bất chấp tác động đáng kể của Covid-19 đến các hoạt động kinh tế, Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á.

Việt Nam trở thành điểm sáng về thu hút FDI nhờ tham gia các FTA ảnh 1
Việt Nam trở thành điểm sáng về thu hút FDI nhờ tham gia các FTA

Tăng thu hút FDI nhờ tham gia các FTA

Phân tích về những nguyên nhân của việc thu hút FDI của Việt Nam vẫn tăng trong thời điểm đại dịch, ông Phan Tiến Nam - Giảng viên Học viện Tài chính nêu rõ những lý do nổi bật: Bên cạnh việc chúng ta có dân số lên tới gần 100 triệu dân là một thị trường hấp dẫn thì việc tham gia ký kết các FTA thế hệ mới là động lực đáng kể cho đầu tư từ các thành viên ký kết như: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); 27 quốc gia thuộc thị trường EU trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và các quốc gia ASEAN + 5 (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RECP).

Hơn nữa, Việt Nam là một phần của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, và ASEAN hiện đang có các FTA với Australia, New Zealand, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc.... Do đó, đầu tư nước ngoài từ các đối tác ký kết EVFTA và CPTPP sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường 650 triệu dân năng động của ASEAN và thị trường của các đối tác FTA của ASEAN.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, cả nước đã và đang chuẩn bị cho mình những cơ hội và lợi thế đầu tư được tạo ra bởi các FTA mới được ký kết và thực hiện. Hàng loạt vấn đề được cải thiện như: Cải cách thể chế, môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh; Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Và doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ Việt Nam; Giảm sự phụ thuộc nặng nề vào thị trường truyền thống hoặc đa dạng hóa thị trường; tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chuỗi giá trị toàn cầu; Hoàn thiện và củng cố hệ thống pháp luật, đặc biệt là các vấn đề thuộc phạm vi bao phủ của các FTA (sở hữu trí tuệ, đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, môi trường, lao động...; Tiếp cận các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế để nâng cao năng lực quản trị và quản trị thị trường, đang báo hiệu Việt Nam là một điểm đến ổn định, đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế.

Có thể bạn quan tâm