Việt Nam vươn lên thứ 22 toàn cầu về quy mô xuất khẩu

Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, sau 25 năm kể từ khi gia nhập ASEAN, hơn 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.

Theo thống kê, xuất khẩu của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng cao trên 15% trong giai đoạn 2011-2019 và chính thức cán mốc kim ngạch 500 tỷ USD vào giữa tháng 12 năm nay.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, thành tích này càng có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế, thương mại thế giới đang sụt giảm do tác động của các xung đột thương mại và cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Thành tích này cũng đã đưa Việt Nam tiếp tục duy trì thành tích xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp trong năm nay (xuất siêu khoảng 9,9 tỷ USD).

Trong đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu của ta giữ được vị trí quan trọng trong xếp hạng thành tích xuất khẩu của thế giới như: Dệt may (đứng thứ 7 thế giới về xuất khẩu với kim ngạch vào khoảng 33 tỉ USD), da giày (thứ 3 thế giới về sản xuất và thứ 2 về xuất khẩu với kim ngạch vào khoảng 17 tỷ USD), điện tử (đứng thứ 12 thế giới về xuất khẩu, trong đó mặt hàng điện thoại di động đứng thứ 2 thế giới với kim ngạch vào khoảng khoảng 50 tỷ USD), thủy sản (đứng thứ tư thế giới về xuất khẩu với kim ngạch vào khoảng 9 tỷ USD), đồ gỗ (đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu với kim ngạch vào khoảng 9 tỷ USD) và một số mặt hàng nông sản khác cũng luôn đứng ở trong nhóm các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới như cà phê, hồ tiêu, gạo…

Cùng với đó, thị trường trong nước luôn giữ vững được đà tăng trưởng cao, ổn định với tốc độ tăng của tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội đạt xấp xỉ 17,5% trong 10 năm qua, cao hơn 3 lần so với mức tăng trưởng GDP.

Đáng ghi nhận, những năm gần đây, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước cao hơn tốc độ tăng của khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, qua đó đưa tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước trong cơ cấu xuất khẩu tiếp tục tăng (chiếm trên 30%).

Có thể bạn quan tâm