Vinamilk đặt kế hoạch đến 2026 lợi nhuận trước thuế có thể cán mốc 16.000 tỷ

Vinamilk đặt mục tiêu lợi nhuận ở mức 12.000 tỷ đồng, giảm hơn 7% so với kết quả đạt được năm 2021.
Vinamilk đặt kế hoạch đến 2026 lợi nhuận trước thuế có thể cán mốc 16.000 tỷ

Trong báo cáo thường niên năm 2021, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - HoSE: VNM) đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2022 tăng gần 5% lên 64.070 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến ở mức 12.000 tỷ đồng, giảm hơn 7% so với kết quả đạt được năm 2021. Nếu không thể vượt kế hoạch, 2022 sẽ là năm thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp có lợi nhuận giảm.

Mục tiêu trong năm 2026, Vinamilk kỳ vọng sẽ đạt 86.200 tỷ đồng tổng doanh thu và 16.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tăng trưởng trong giai đoạn 2021 - 2026 tương ứng ở mức 7,2% đối với doanh thu và 4,4% đối với lợi nhuận.

Với mức tăng 2,2% so với năm 2020, doanh thu năm 2021 ghi nhận 61.012 tỷ đồng, hoàn thành 98,2% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại giảm 4,6% xuống 12.922 tỷ so với 2020 và bằng 95% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 10.633 tỷ đồng và thấp hơn 5,6% kế hoạch năm. Biên lợi nhuận gộp hợp nhất của Vinamilk trong năm trước đạt 43,1%, giảm 326 điểm cơ bản so với cùng kỳ.

Doanh thu thuần nội địa năm qua đạt 51.202 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ, doanh thu xuất khẩu trực tiếp 6.128 tỷ đồng, tăng 10,2% so với 2020 và doanh thu từ các chi nhánh nước ngoài ghi nhận 3.589 tỷ đồng, tăng 11%. Các thị trường trọng điểm tại Trung Đông, Mỹ và Campuchia tiếp tục đóng vai trò chủ chốt và duy trì đà tăng trưởng.

HĐQT công ty chia sẻ trong báo cáo thường niên rằng đầu năm 2021, lô hàng 10 container sữa hạt và sữa đặc xuất khẩu sang Trung Quốc đã cho thấy những tín hiệu lạc quan ở mảng kinh doanh quốc tế. Trong quý III, Vinamilk đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên qua công ty liên doanh tại Philippines là Del Monte Vinamilk Dairy Philippines Inc., đánh dấu bước tiến mới trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu để khai thác thị trường tiềm năng này. Tại các thị trường trọng yếu như Trung Đông và Châu Phi, Vinamilk đã đầu tư nghiên cứu phát triển để giới thiệu nhiều sản phẩm chuyên biệt, điển hình là sản phẩm bột dinh dưỡng hương vị chà là. Với 2 thị trường xuất khẩu mới được khai thác trong năm, tổng số thị trường xuất khẩu lũy kế đã tăng lên 57.

Bên cạnh đó, Vinamilk cũng đẩy mạnh mở mới chuỗi Giấc Mơ Sữa Việt, số lượng mở mới năm qua là 120 cửa hàng và nâng tổng số cửa hàng tại thời điểm cuối năm lên gần con số 600. Đây là con số mở mới đáng chú ý trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 do các năm gần đây Vinamilk không đặt trọng tâm chuỗi Giấc Mơ Sữa Việt, lượng mở mới bình quân 12 cửa hàng mỗi năm giai đoạn 2017-2020.

Đồng thời, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới, Vinamilk hợp tác cùng Tổng Công ty chăn nuôi Việt Nam (Vilico) - công ty thành viên trong tập đoàn, để đầu tư và xây dựng nhà máy chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tại huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 4.600 tỷ (gần 200 triệu USD), trên diện tích gần 25 ha, tổng công suất thiết kế ước đạt khoảng 400 triệu lít/năm được xây dựng dự kiến theo 2 giai đoạn.

Có thể bạn quan tâm