Vinpearl đề nghị tiếp tục xem xét cấp giấy chứng nhận cho người mua condotel

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi 6 Bộ và UBND tỉnh Khánh Hòa về việc giải quyết kiến nghị của Công ty Cổ phần Vinpearl đề nghị tiếp tục xem xét, giải quyết, cấp giấy chứng nhận cho người mua căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch resort villa.
Vinpearl đề nghị tiếp tục xem xét cấp giấy chứng nhận cho người mua condotel

Công văn nêu rõ, xét đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa, ý kiến của các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường về việc giải quyết các kiến nghị của Công ty Cổ phần Vinpearl, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao UBND tỉnh Khánh Hòa nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, đồng thời rà soát lại các vấn đề liên quan để thực hiện theo đúng quy định.

Thời gian qua, kể từ khi các bộ ngành có hướng dẫn về cơ chế quản lý đối với condotel thì đến nay, vẫn chưa một quy định nào đi vào thực tiễn. Bên cạnh đó, hàng trăm cuộc hội thảo, tọa đàm cũng có nhiều ý kiến trái ngược nhau về quản lý loại hình này.

Để chấn chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh đối với một số loại hình này, ngày 23/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT- TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch ban hành cơ chế quản lý đối với một số loại hình bất động sản mới như căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện chỉ thị này, các bộ đã có các văn bản theo chức năng và thẩm quyền. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 21/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư”, trong đó có “căn hộ lưu trú (condotel)”.

Bộ Xây dựng định nghĩa căn hộ lưu trú là căn hộ nằm trong nhà chung cư hỗn hợp (condotel), phục vụ mục đích cho thuê lưu trú, có trang thiết bị, dịch vụ cần thiết để người thuê có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú.

Bên cạnh đó, trong đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản 2014, Bộ Xây dựng đã đưa ra đề xuất cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua bất động sản du lịch (trong đó có condotel). Đề xuất này, xét trên quan điểm kinh doanh là hợp lý với các dự án bất động sản nghỉ dưỡng không có yếu tố nhạy cảm về an ninh quốc phòng và rất được các chủ đầu tư trông đợi.

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ này cũng có Công văn 703 về việc hướng dẫn chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở, trong đó có căn hộ du lịch, biệt thự du lịch.

Theo công văn hướng dẫn, Bộ này đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát các dự án đầu tư đã được phê duyệt và việc thực hiện giao đất, cho thuê đất của từng dự án để xác định mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan thì thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và không làm thay đổi quy mô, mục tiêu, quy hoạch của dự án.

Bộ Công an đề xuất không phát triển thêm dự án condotel và không hợp thức hóa các loại hình bất động sản tương tự thành nhà ở. Theo bộ này, việc mua bán các loại hình bất động sản nói trên diễn ra rất phức tạp, nhiều địa phương không quản lý được hoặc buông lỏng, gây rủi ro cho người mua.

Bộ Quốc phòng lại cho rằng nếu cho phép người nước ngoài mua bán, chuyển nhượng bất động sản nghỉ dưỡng thì cần quản lý chặt khâu cấp phép sử dụng đất của dự án.

Có thể bạn quan tâm