VN-Index hướng tới vùng 1.080-1.100 điểm

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS) cho rằng, VN-Index sẽ tiếp tục xu thế tăng, hướng tới vùng 1.080-1.100 điểm trong 2 tháng tới.
VN-Index hướng tới vùng 1.080-1.100 điểm

Câu chuyện nâng hạng của TTCK Việt Nam là một trong những yếu tố hỗ trợ tích cực trong trung hạn, cũng như cả giai đoạn từ cuối năm 2018 đến năm 2020. 

VN-Index đang gặp trở ngại khi tiến đến gần ngưỡng kháng cự mạnh MA200 ngày (tương ứng 1.025 điểm). Theo ông, chỉ số có thể sớm vượt qua ngưỡng cản này?

Từ giữa tháng 7/2018 cho tới nay, VN-Index ghi nhận sự hồi phục khá tốt khi tăng từ 890 điểm lên 1.010 điểm, tương ứng tăng 13,4%. Ngắn hạn, VN-Index đang tiến sát ngưỡng kháng cự mạnh 1.025 điểm, tương ứng với đường trung bình động MA200 ngày.

Theo đó, áp lực bán đang gia tăng ở nhiều nhóm cổ phiếu đã tăng giá từ 15 - 25% như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, dầu khí, dệt may, thủy sản…

Điều này cho thấy, vùng kháng cự 1.025 điểm có thể khiến đà tăng của thị trường bị chững lại, thậm chí không ngoại trừ khả năng có thể điều chỉnh giảm trở lại.

Dù vậy, sự điều chỉnh nếu diễn ra vào lúc này cũng là điều hợp lý trước khi thị trường tiếp tục tích lũy và trở lại xu thế tăng trong thời gian tới. Ngưỡng hỗ trợ mạnh của VN-Index hiện nay nằm ở vùng 990-1.000 điểm.

Mặt khác, sự hồi phục tích cực trong hơn 2 tháng qua đã giúp VN-Index vượt qua kênh giảm điểm ngắn hạn để hình thành xu thế tăng điểm trong trung hạn. Bởi vậy, dù hiện tại gặp khó khăn, nhưng VN-Index sẽ tiếp tục xu thế tăng điểm để hướng tới vùng 1.080-1.100 điểm trong tháng 10 và 11/2018. 

Trong một báo cáo nhận định mới đây, VNCS dự báo VN-Index sẽ tăng lên vùng 1.080-1.120 điểm vào cuối năm. Với diễn biến thị trường những phiên vừa qua, VNCS vẫn giữ quan điểm này?

Tại báo cáo chiến lược đầu tư vào cuối tháng 7/2018, VNCS đã dự báo về sự hồi phục của thị trường và dự kiến mức điểm mà VN-Index có thể đạt được vào những tháng cuối năm 2018 là vùng 1.080-1.120 điểm. Hiện tại, chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm này.

Thực tế cho thấy, VN-Index đã phá vỡ xu thế giảm trong quý I/2018 và hình thành xu thế tăng, vượt qua một số vùng kháng cự quan trọng, thậm chí vượt ngưỡng cản tâm lý 1.000 điểm trong tháng 9.

Điều này cho thấy, dòng tiền đã trở lại và tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mới khi mặt bằng giá cổ phiếu giảm về mức hấp dẫn với P/E bình quân toàn thị trường quanh mức 14 lần.

Tôi đánh giá tích cực về triển vọng thị trường trong tháng 10/2018 khi hầu hết những thông tin kém tích cực như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, chiến tranh thương mại leo thang... đã phản ánh vào giá cổ phiếu.

Mức độ tác động của những yếu tố này tới thị trường trong thời gian tới là không đáng kể, trong khi câu chuyện lợi nhuận tăng trưởng khả quan của các doanh nghiệp niêm yết sẽ là điểm sáng trong quý IV tới đây.

Một yếu tố hỗ trợ khác có thể kể đến là khả năng TTCK Việt Nam sẽ được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng của FTSE trong những ngày cuối tháng 9/2018 và xa hơn là trong kỳ đánh giá tháng 3/2019 của MSCI.

Với những kỳ vọng đó, nhiều khả năng dòng tiền sẽ trở lại, nhất là khi kênh đầu tư chứng khoán vẫn cho thấy những ưu điểm so với các kênh đầu tư khác. 

Về câu chuyện nâng hạng thị trường, ở giai đoạn này liệu đã có sự hỗ trợ, tác động nào tới thị trường từ nay đến cuối năm không, thưa ông?

Theo tôi, không chỉ trong ngắn và trung hạn, việc nâng hạng của TTCK Việt Nam sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực trong cả dài hạn, cụ thể là từ cuối năm 2018 đến năm 2020. Mục tiêu của cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát triển TTCK Việt Nam là hướng tới việc nâng hạng thị trường trong giai đoạn 2019-2021.

Việc thị trường ngày càng hoàn thiện về luật pháp, sản phẩm, quy mô niêm yết - giao dịch, công bố thông tin, nâng cao khả năng tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài (mở room, giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện)... đều là những hoạt động nhằm hướng tới mục tiêu này.

Hiện nay, Việt Nam đang gần như đáp ứng đủ các tiêu chí tiên quyết trong việc lựa chọn thị trường để đưa vào danh sách theo dõi của cả 2 tổ chức là FTSE và MSCI. 

Năm nay, những ngành nào sẽ bứt phá về lợi nhuận, theo ông?

Theo quan sát của tôi, trong năm 2018, sự bứt phá lợi nhuận đang được thể hiện rõ ở các ngành ngân hàng, chứng khoán, các công ty đầu ngành bất động sản, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, bán lẻ và một số lĩnh vực xuất khẩu…

Việc đầu tư vào các doanh nghiệp đầu ngành trong những nhóm ngành này, theo tôi, là quyết định hợp lý cho trung và dài hạn.

Theo Phan Hằng/tinnhanhchungkhoan.vn

Có thể bạn quan tâm

Những "ông hoàng" tiền mặt trên sàn chứng khoán Việt

Những "ông hoàng" tiền mặt trên sàn chứng khoán Việt

Nhiều doanh nghiệp đang sở hữu lượng tiền mặt khổng lồ lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Điều này giúp họ thu về khoản lãi tiền gửi lớn, con số tương đương với lợi nhuận ròng cả năm mà nhiều doanh nghiệp khác phải nỗ lực đạt được...

Nvidia và Walmart giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm, giá dầu đi ngang

Nvidia và Walmart giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm, giá dầu đi ngang

Hai trong ba chỉ số chính của Phố Wall đều ghi điểm nhờ sự bứt phá mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu công nghệ và các nhà đầu tư háo hức chờ đợi báo cáo tài chính từ Nvidia. Trong khi đó, cổ phiếu Walmart cũng tăng mạnh sau khi nhà bán lẻ nâng dự báo doanh thu hàng năm…

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

Nasdaq và S&P 500 đã khép lại phiên giao dịch thứ Hai với mức tăng nhẹ, hồi phục một phần tổn thất sau nhiều phiên giảm trước đó. Các nhà đầu tư hiện đang háo hức chờ đợi báo cáo lợi nhuận quý của Nvidia…

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

Sau khi nâng vốn lên 19.613 tỷ đồng, TCBS vươn lên vị trí dẫn đầu trong ngành chứng khoán về vốn điều lệ, vượt qua Chứng khoán SSI. Tuy nhiên, “ngôi vương” này có thể sẽ sớm đổi chủ khi SSI đang triển khai chào bán 151,1 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 18.130 tỷ đồng lên 19.641 tỷ đồng...