Vốn ngoại tiếp tục đổ mạnh vào bất động sản

Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển, các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục rót hàng trăm triệu USD vào thị trường trong 3 tháng đầu năm.
Vốn ngoại tiếp tục đổ mạnh vào bất động sản

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 3 tháng đầu năm nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài là 7,71 tỷ USD, tăng 77,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 6,54 tỷ USD, chiếm đến 84,9% tổng vốn đầu tư đăng ký trong quý I/2017. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 343,69 triệu USD, chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư.

Theo địa phương, TP.HCM là đơn vị đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong quý I/2017 sau Bắc Ninh và Bình Dương với tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt gần 600 triệu USD.

Trong tổng số vốn ngoại đầu tư vào TP.HCM trong 3 tháng đầu năm, số vốn vào vào thị trường bất động sản chiếm tỷ lệ khá cao, nhất là từ các doanh nghiệp Singapore. Chẳng hạn, ngày 20/3, thông qua công ty thành viên là Krystal Investments Pte Ltd, Công ty TNHH Keppel Land (Keppel Land) đã mua thêm 16% cổ phần tại các các công ty liên doanh phát triển dự án Saigon Centre tại TP.HCM như Công ty Keppel Land WATCO I đến V, Tổng công ty Đường sông Miền Nam… Thương vụ trị giá 845,9 tỷ đồng (khoảng 37 triệu USD).

Giao dịch này giúp Keppel Land nâng tổng số cổ phần tại các công ty liên doanh phát triển Saigon Centre giai đoạn 1 và 2 (Keppel Land WATCO I, II và III) từ khoảng 45,3% lên 53,5%, đồng thời nâng tổng số cổ phần tại hai công ty liên doanh phát triển các giai đoạn tiếp theo của Saigon Centre (Keppel Land WATCO IV và V) từ 68% lên 76,2%.

Ông Ang Wee Gee, Tổng giám đốc điều hành Keppel Land cho biết: “Việt Nam là một trong những thị trường đang tăng trưởng quan trọng. Việt Nam tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, là động lực thúc đẩy nhu cầu trên thị trường bất động sản về nhà ở, văn phòng cho thuê và các dự án phức hợp. Việc chúng tôi tăng cổ phần tại Saigon Centre phản ánh sự tin tưởng của Keppel Land, cũng như sự cam kết dài hạn trong việc đóng góp cho quá trình đô thị hóa bền vững của Việt Nam thông qua một danh mục các dự án có chất lượng cao”.

Trước đó, năm 2016, Công ty Keppel Land cũng thông qua công ty con của mình là Ibeworth Pte. Ltd. ký kết thỏa thuận với Công ty Nam Long - một nhà phát triển bất động sản giá rẻ tại TP.HCM về việc đăng ký mua 500 tỷ đồng, tương đương khoảng 22 triệu USD trái phiếu chuyển đổi của Nam Long (đáo hạn năm 2020 với lãi suất 7%/năm).

Ngoài Keppel Land, một nhà đầu tư khác đến từ Singapore là Capitaland cũng vừa mua thêm một dự án có diện tích 0,5 ha tại quận 1, TP.HCM, trị giá là 51,9 triệu USD trong tháng 3 vừa qua.

Không chỉ các nhà đầu tư Singapore, thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là thị trường TP.HCM còn thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Chẳng hạn, mới đây, Công ty Dacin (Đài Loan, Trung Quốc) đã rót vốn vào đầu tư giai đoạn 1 dự án Khu dân cư Tầm Nhìn Vision, gọi tắt là Vision-1 tại quận Bình Tân, TP.HCM. Dù chủ đầu tư không công bố số tiền của thương vụ, nhưng với tổ hợp 4 tháp nhà, gồm 2 tháp 25 tầng và 2 tháp 19 tầng, 1 tầng hầm, 1 tầng thương mại, cung cấp 620 căn hộ, 6 mặt bằng cửa hàng tại tầng trệt, thì số tiền cũng lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Trước đó, giữa năm ngoái, Công ty Xây dựng Maeda (Nhật Bản) đã hợp tác với Công ty Xây dựng Thiên Đức phát triển dự án Wateria Suites, quận 2, TP.HCM với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD. Dự án gồm 89 căn hộ có diện tích từ 150 - 200 m2/căn.

Ngoài rót vốn trực tiếp vào dự án, hoặc các doanh nghiệp địa ốc, vốn FDI vào bất động sản Việt Nam còn qua hình thức đầu tư BT (đổi đất lấy hạ tầng). Đơn cử, mới đây, một công ty của Nhật Bản cho biết, năm 2017 sẽ thực hiện rót vốn giúp Việt Nam đầu tư dự án chống ngập ở TP.HCM trị giá 211 triệu USD. Đổi lại, nhà đầu tư này sẽ được nhận khu đất trị giá ngang với tổng mức đầu tư của dự án để phát triển chung cư 20 tầng…

Với dân số 90 triệu người, chính sách ngày một thông thoáng hơn, nhiều nút thắt dần được tháo gỡ, trong khi tốc độ đô thị hóa mạnh, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn là “miếng bánh ngọt” với nhiều nhà đầu tư ngoại. 

Theo Báo Đầu tư Bất động sản

Có thể bạn quan tâm

Vinhomes ra mắt nhà mẫu The Premium

Vinhomes ra mắt nhà mẫu The Premium

Sự kiện ra mắt nhà mẫu Vinhomes The Premium đã thực sự làm nóng thị trường bất động sản Thanh Hóa, với thiết kế lấy cảm hứng từ những khu vườn Nhật Bản, cùng hệ thống tiện ích đẳng cấp 5 sao như bể bơi vô cực...

Aqua City là một trong những dự án then chốt của Novaland

Novaland nhận tin vui khi nút thắt pháp lý Aqua City được tháo gỡ

Ngày 19/11, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ông Võ Tấn Đức chính thức phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung 1/10.000, đánh dấu bước quyết định trong việc tháo gỡ pháp lý cho dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland, vốn đã bị vướng mắc hơn 2 năm qua…