Kết quả của việc kiện tụng này có hai tình huống xảy ra: Ghi vào lịch sử những dòng “u ám” nếu Vinasun thắng hoặc thể hiện quyết tâm tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để xây dựng một xã hội kiến tạo như Chính phủ đang thúc đẩy.
Sự trì trệ được tung hô?
Điều khiến nhiều người ngỡ ngàng là đề nghị của Viện Kiểm sát với tòa chấp nhận yêu cầu bồi thường của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường hơn 41,2 tỉ đồng. Với một doanh nghiệp quốc tế như Grab, 41,2 tỉ đồng không phải vấn đề quá lớn, song, ngoài “danh dự”, Grab đang bảo vệ “quyền sáng tạo” - một trong những quyền cơ bản như một thứ quyền năng thúc đẩy xã hội tiến nhanh, tiến xa hơn. TS Lương Hoài Nam nhận định: “Nếu toà xử cho Vinasun thắng kiện thì đó sẽ là một ‘cái tát’ vào mặt môi trường, văn hóa kinh doanh nói chung, vào chủ trương phát triển công nghiệp 4.0 nói riêng ở nước ta”.
Phản ứng của lãnh đạo Grab tuy có phần kiềm chế hơn, song rất kiên quyết và lập luận khá chắc chắn. Sau đề xuất tòa chấp nhận yêu cầu của Vinasun buộc Grab bồi thường 41,2 tỉ đồng của Viện Kiểm sát, ông Jerry Lim - Giám đốc Grab tại Việt Nam - cho rằng “chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh vận tải thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải.
Rất tiếc, vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM hôm nay đã đề nghị Tòa án kết luận rằng hoạt động kinh doanh của chúng tôi trong việc sử dụng khoa học, công nghệ để hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải theo Đề án thí điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và do Bộ Giao thông Vận tải ban hành là kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi. Chúng tôi hoàn toàn phản đối đề nghị này” - ông Jerry Jim nói.
Trong cuộc chiến pháp lý này, không khó khăn để nhận thấy các vấn đề mà Grab gặp phải không phải do mình gây ra. Vinasun có thể khởi kiện các chính sách bất hợp lý, thậm chí là bất công giữa các loại hình dịch vụ vận tải (công nghệ và truyền thống), nhưng chủ thể không thể là Grab. Grab không đề xuất, không xây dựng, càng không có quyền đưa ra các chính sách mang lại ưu thế cho mình. Vậy tại sao Vinasun kiện Grab? Nhiều chuyên gia đánh giá, đó chỉ là động thái để doanh nghiêp này ép cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp bảo hộ doanh nghiệp taxi truyền thống - vốn đang ngày càng trở nên trì trệ và dịch vụ kém.
“Mơ hồ và rất khôi hài”
Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico) nhận định: “Trong cuộc chiến này, Vinasun đã chiến thắng ở mặt trận gây sức ép với cơ quan chức năng để xây dựng dự thảo có bảo vệ quyền lợi nhiều hơn với taxi truyền thống. Về việc yêu cầu Grab bồi thường, cá nhân tôi đánh giá không có cơ sở và căn cứ nào, cho dù Vinasun thiệt hại thật cũng không thể chứng minh do Grab và bắt bồi thường được.
Ở khía cạnh khác, lớn hơn, đó là môi trường kinh doanh tại Việt Nam sẽ có một tiền lệ vô cùng xấu khi tất cả các công ty taxi truyền thống đều có thể kiện Grab được. Việc gây ra thiệt hại cho đối thủ kinh doanh phải là những hành vi vi phạm pháp luật trực tiếp và hậu quả cụ thể. Không thể thông qua những hành vi gián tiếp theo kiểu vì anh ứng dụng công nghệ giành mất khách của tôi… thì quá mơ hồ và rất khôi hài” - luật sư Đức đánh giá.
Cho dù thế nào, không thể phủ nhận công nghệ sẽ dần “lấn sân” vào tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nếu các doanh nghiệp không tự thay đổi chính mình bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, bắt kịp xu hướng thời đại thì không cần chờ đến khi có đối thủ cạnh tranh mạnh hơn mình, sớm muộn cũng rơi vào khủng hoảng. Và quan trọng hơn, như TS Lương Hoài Nam đánh giá: “Một doanh nghiệp kém cỏi có thể chết, nhưng không thể vì nó mà ‘giết chết’ một môi trường kinh doanh, một môi trường kiến tạo phát triển”.
Theo Duy Thiên/ Lao động
>> Vinasun yêu cầu dừng thí điểm với Grab