Vướng lùm xùm, dân sống khổ trên “đất vàng”

Từ nhiều năm nay, 34 hộ dân tại khu đất vàng 33 Nguyễn Du và 34, 36 Chu Mạnh Trinh, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM đang sống trong cảnh tạm bợ, nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng, sửa thì không được, đi cũng không xong vì đền bù không thoả đáng.
Vướng lùm xùm, dân sống khổ trên “đất vàng”

Khu “ổ chuột” giữa quận giàu bậc nhất Sài Gòn

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm đến địa chỉ 34, 36 đường Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du, P.Bến Nghé, Q.1 vào buổi sáng sớm. Trước mắt chúng tôi là một khu nhà xập xệ được bao bọc bởi một bức tường mục nát, có vài đoạn đã đổ sập và gắn biển cảnh báo người đi bộ tránh lại gần. Phía bên trong là những mái tôn xếp chồng lên nhau, rất khó để phân biệt nhà của từng hộ dân.

Những người dân ở đây cho biết, đây là khu tập thể của các cán bộ, nhân viên của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam. Họ đã sinh sống ở đây từ năm 1975 sau khi đất nước thống nhất cho đến nay, nhưng nhà cửa đang xuống cấp nghiêm trọng do không được sửa chữa. Có những gia đình ba bốn thế hệ sống chung trong căn phòng chưa tới 10m2, hoạ may cũng được cơi nới tận dụng thêm chút không gian hành lang.

Bức tường bên ngoài khu tập thể nhiều đoạn đã bị đổ sập
Bức tường bên ngoài khu tập thể nhiều đoạn đã bị đổ sập

Bà Trần Bạch Huệ (34 Chu Mạnh Trinh) chia sẻ, gia đình bà về đây sinh sống từ năm 1975, nhà nước cấp cho gia đình bà căn phòng có diện tích hơn 10m2 với 4 người sinh sống. Trải qua hơn 40 năm, hiện căn phòng của gia đình bà đã xuống cấp nghiêm trọng, mái tôn đã mục nát, hư hỏng trời mưa là dột, nước chảy vào nhà không thể nào ngủ được; cứ đến mùa mưa là cả gia đình lại lo lắng bởi nước chảy vào nhà, cuộc sống bị đảo lộn.

“Nhiều lần gia đình tôi đã lên P.Bến Nghé xin phép để sửa lại mái tôn đã cũ kỹ nhưng không được, bên phường giải thích rằng đây là căn Villa nên không thể sửa được. Gần đây phường có đồng ý cho sửa nhưng yêu cầu phải làm đơn, rồi khu đất lại bị vướng thanh tra”, bà Huệ cho biết.

Ngay bên cạnh là nhà của bà Mỹ, tuy có rộng rãi hơn chút nhưng cũng chẳng khá hơn nhà bà Huệ. Bức tường cũ bị rễ cây xuyên qua ăn cả vào nhà, gia đình bà buộc phải cắt rễ cây đi và xây một bức tường mới; về mùa mưa thì nước tràn qua mái tôn chảy vào nhà làm ướt hết các vật dụng,… khiến cho cuộc sống gia đình bà nhiều năm nay bị đảo lộn.

“Đi không được, ở không yên”

Năm 1975, thay mặt Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn – Gia Định, Thượng tướng Trần Văn Trà đã cấp cho Ban lương thực thực phẩm, nay là Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II) nhà ở tại 4 địa chỉ, 33 Nguyễn Du, 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh. Trong đó, số 42 làm văn phòng của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, các địa chỉ còn lại là khu nhà ở tập thể cho CBNV Tổng Công ty.

Ba bốn thế hệ sống chung trong căn nhà chỉ vỏn vẹn 10m2
Ba bốn thế hệ sống chung trong căn nhà chỉ vỏn vẹn 10m2

Năm 2007, Vinafood II có chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất khu đất ở các địa chỉ trên để xây dự án khách sạn, văn phòng và trung tâm thương mại. Năm 2015, Vinafood II đã hợp tác cùng với Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo –xây dựng địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) do ông Đinh Trường Chinh làm đại diện pháp luật.

Cả Vinafood II và Công ty Việt Hân đã nhiều lần đưa ra các phương án đền bù và thương lượng với các hộ dân tại khu nhà ở 33 Nguyễn Du và 34, 36 Chu Mạnh Trinh nhưng vẫn không đi đến được thống nhất về giá.

Cụ thể, phía Vinafood II và Công ty Việt Hân đưa ra giá đền bù là 105 triệu/m2, nhưng người dân ở đây cho biết, thực tế giá đất trên thị trường tại Q.1 đã hơn 400 triệu/m2. Nên họ không thể chấp nhận mức giá mà Vinafood II và Công ty Việt Hân đưa ra. Liên quan đến vấn đề này, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có kết quả.

“Mong muốn của chúng tôi là Chính phủ sớm có kết luận thanh tra để cho người dân chúng tôi biết đúng hay sai. Nếu đúng thì giải quyết chế độ và đền bù một giá cả hợp lý cho những người dân sinh sống ở đây có chỗ ở ổn định lâu dài vì hiện tại chúng tôi đang sống trong thấp thỏm lo âu và rất khổ sở”, bà Huệ tâm sự.

Cư dân căn băng rôn phản đối việc đền bù không thoả đáng
Cư dân căn băng rôn phản đối việc đền bù không thoả đáng

Ông Hà Chư, (36 Chu Mạnh Trinh) chia sẻ: “Tôi từng tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị, từng bị địch bắt đi tù bị giam cầm ngoài Phú Quốc. Khi từ chiến trường trở về Sài Gòn năm 1975, tôi được đồng chí trưởng ban quân quản cấp cho nhà ở, hoàn toàn hợp pháp, không phải ở lậu. Chúng tôi chỉ đòi hỏi cái mà chúng tôi được hưởng theo quy định của nhà nước…

…Chúng tôi chỉ mong muốn bên phía Vinafood II và Công ty Việt Hân đưa ra mức giá đền bù hợp lý đối với phần diện tích mà chúng tôi đang ở để chúng tôi đi nơi khác. Đó là đòi hỏi chính đáng của chúng tôi, chứ không phải gây khó dễ với chính quyền”.

Cũng theo các hộ dân ở đây, họ đã gửi nhiều đơn thư đến các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan báo chí truyền thông mong được giúp đỡ, giải quyết những vướng mắc đang gặp phải nhưng vẫn chưa có hồi kết. Trong khi đó, Công ty Việt Hân lại nhiều lần cho người đến đe dọa, uy hiếp gây xáo trộn cuộc sống khu tập thể.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...