WEF ASEAN 2018 lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo để phát triển

Hội nghị WEF ASEAN 2018 kết thúc thành công tốt đẹp với nhiều đề xuất được đưa ra nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững trong khu vực và thế giới.
WEF ASEAN 2018 lan tỏa tinh thần đổi mới, sáng tạo để phát triển

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 diễn ra tại Hà Nội từ 11-13/9 với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0" đã khép lại sau gần 60 phiên thảo luận chuyên đề, nhiều đề xuất được đưa ra nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững.

Trên cương vị chủ nhà của WEF ASEAN 2018, Việt Nam đã thực hiện thành công trọng trách cùng WEF và các nước ASEAN tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng và hình thành các ý tưởng, định hướng lớn về phát triển của các nước ASEAN trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) nhằm góp phần thực hiện thành công Tầm nhìn ASEAN 2025 vì lợi ích và sự phát triển của cả khu vực và từng quốc gia, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.

"Theo thống kê của WEF, năm nay có gần 8.000 bài viết về Hội nghị, so với 2.000 bài năm 2017, có 7 triệu lượt người tương tác trên mạng xã hội về WEF, 13.000 lượt bài và bình luận trên Facebook, 90.000 lượt người xem trực tuyến trên trang của WEF.

Đánh giá về Hội nghị, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) - ông Klaus Schwab cho hay, WEF ASEAN 2018 là sự kiện thành công nhất trong 27 năm tổ chức diễn đàn khu vực về ASEAN.

Nội dung của Hội nghị được đánh giá phù hợp với các nước ASEAN và Việt Nam, trong bối cảnh các nước đều phải vươn lên trong cuộc CMCN 4.0, nếu không sẽ bị tụt hậu.

ASEAN là khu vực đang trong quá trình xây dựng cộng đồng đoàn kết, gắn kết, phát triển thịnh vượng bền vững, do đó việc tổ chức hội nghị này thu hút được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp và chính phủ các nước. Có 9 lãnh đạo cao nhất của khu vực Đông Nam Á và ngoài khu vực và hơn 1.000 doanh nghiệp hàng đầu, là thành viên của WEF, tham dự hội nghị. Điều đó thể hiện sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế tới ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Chủ tịch điều hành WEF Borge Brende nhận định Hội nghị WEF ASEAN năm nay được tổ chức khi ASEAN chứng tỏ đây là khu vực năng động và phát triển nhanh. Riêng Việt Nam đã cho thấy chặng đường phát triển phi thường. Từ năm 2010 đến nay, GDP của Việt Nam đã tăng gần gấp đôi, tỷ lệ người nghèo chưa đến 3%, so với mức 50% hồi đầu thập niên 1990. Việt Nam cũng là điểm đến của các doanh nghiệp thế giới, thu hút nhiều vốn FDI.

Qua Diễn đàn chính thức và các phiên thảo luận cho thấy, đã có nhiều đề xuất, sáng kiến, giải pháp đã được đưa ra tại Hội nghị nhằm tận dụng các cơ hội lớn từ CMCN 4.0, đồng thời vượt qua thách thức mà kỷ nguyên số mang lại.

Vì một ASEAN "phẳng"

Phát biểu tại WEF ASEAN 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảnh báo về kỷ nguyên ASEAN không còn là công xưởng của thế giới nhưng có thể trở thành nơi khởi nguồn đổi mới.

Thủ tướng nêu sáng kiến mới về hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN, hợp tác an ninh mạng, hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao…

Lãnh đạo cao nhất của Chính phủ Việt Nam đưa ra một số đề xuất cụ thể: Một là, kết nối số, chia sẻ dữ liệu, nâng cao hiệu quả các hình thức kết nối, hỗ trợ thương mại điện tử, chính phủ điện tử... Hai là, hài hòa môi trường kinh doanh, các hạ tầng kết nối về tài chính, ngân hàng, thị trường, truyền thông, logistics…cần phải hoạt động ở quy mô khu vực. Ba là, thúc đẩy hình thành và kết nối các vườn ươm sáng tạo. Bốn là, tìm kiếm phát huy tài năng. Năm là, hình thành mạng lưới giáo dục ASEAN và hệ thống học tập suốt đời.

Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông của Việt Nam - ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã đề xuất nhiều sáng kiến và chia sẻ ý tưởng về "một ASEAN thống nhất". Ông Nguyễn Mạnh Hùng đề cập 3 sáng kiến vì một ASEAN thống nhất.

Một là, về "một ASEAN phẳng" (flat ASEAN), không cần có cước chuyển vùng dữ liệu để tất cả mọi người du lịch dễ dàng.

Thứ hai, thiết lập một Đại học Công nghệ Thông tin – Truyền thông (ICT) ASEAN bởi theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, trong CMCN 4.0, điều quan trọng nhất là kỹ năng cho tương lai - kỹ năng ICT.

Sáng kiến thứ ba là việc thành lập trung tâm chia sẻ thông tin về an ninh mạng trong ASEAN.

Tận dụng mọi lợi thế của CMCN 4.0

Tại WEF ASEAN 2018, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đưa ra góc nhìn tích cực, những lợi thế mà cuộc CMCN 4.0 mang lại. Khác với những lo lắng con người bị lệ thuộc robot, mất việc làm vì nhiều ngành ứng dụng máy móc tự động hóa, ông Joko Widodo cho rằng sự tiến bộ của công nghệ cho phép sử dụng tài nguyên tiết kiệm hơn, hiệu suất lao động cao hơn. Sản phẩm từ nghiên cứu khoa học giúp các nền kinh tế trở nên nhẹ nhàng, tiên tiến hơn. Đó là sự xuất hiện của những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng, những turbine điện gió và tấm pin mặt trời...

Con người dần tiến tới kiến tạo sự phát triển không phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên hữu hạn mà bằng tài năng, thứ mà ông Joko Widodo gọi đó mới là tài nguyên vô hạn. Tài năng của con người đang thúc đẩy CMCN 4.0.

Tổng thống Indonesia tin rằng, trong dài hạn cuộc cách mạng này sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn chứ không phải là cướp đi việc làm của con người, đồng thời giúp người thu nhập thấp có khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ do giá rẻ hơn.

Ông Klaus Schwab, Chủ tịch điều hành WEF cho biết, WEF đã mở trung tâm về cách mạng công nghiệp 4.0 tại Trung Quốc, Singapore và sẽ xây dựng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Chủ tịch điều hành WEF đánh giá cao vai trò của Chính phủ Việt Nam trong việc thiết lập cơ chế chính sách tiếp cận CMCN 4.0, thúc đẩy môi trường kinh doanh, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ông Klaus Schwab đặc biệt nhấn mạnh tới môi trường sẵn sàng cho sự thay đổi, làm chủ và phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, robot.

Phát biểu bế mạc, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình khẳng định, chỉ có đổi mới sáng tạo với nhiều tầm nhìn đa chiều mới đưa các quốc gia, doanh nghiệp tiến lên trong thế giới ngày nay.

Do đó, Chính phủ và doanh nghiệp các nước ASEAN cần tiếp tục phát huy nội lực, tạo môi trường thuận lợi cho sáng tạo, cho cái mới nảy nở và lan tỏa, tạo động lực tăng trưởng mới cho phát triển thịnh vượng trong thế giới đang chuyển động nhanh bởi công nghệ mới.

Cùng với đó, thế giới số, siêu kết nối thông minh tạo cơ hội cho mọi người dân khởi nghiệp sáng tạo, tiếp cận các nguồn lực, thông tin mới, tri thức mới và thị trường mới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Theo Vov

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...