Tại báo cáo có tiêu đề “Hướng tới một lộ trình quốc gia về nhựa dùng một lần tại Việt Nam” cũng do Ngân hàng Thế giới thực hiện, công bố ngày 25/7, World Bank đề xuất Việt Nam cần có cách tiếp cận theo từng giai đoạn để giải quyết rác thải nhựa thông qua sự kết hợp giữa các công cụ chính sách và cơ chế tài khóa - bắt đầu từ việc hạn chế sử dụng, thu phí và cuối cùng là cấm sử dụng.
World Bank đề xuất thu phí đối với túi nhựa không phân hủy sinh học (bắt đầu các bước hoạch định chính sách từ năm 2022-2023); cốc cà phê mang đi (đề xuất hoạch định chính sách từ năm 2025, thu phí và xử phạt từ năm 2026).
Lộ trình hướng tới mục tiêu áp đặt lệnh cấm sử dụng, cấm lưu thông các sản phẩm ống hút nhựa (hoạch định chính sách từ năm 2024, áp dụng năm 2025); túi nhựa khó phân hủy sinh học và hộp đựng thực phẩm, áp dụng năm 2026.
Báo cáo của World Bank cũng khuyến nghị Việt Nam có thể bắt đầu với những hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần trong cửa hàng ăn uống và các cơ sở lưu trú.
Bởi Theo báo cáo “phân tích nguồn ô nhiễm tại Việt Nam” vừa được World Bank công bố, ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra trên đất liền ở Việt Nam và ít nhất 10% trong số này đổ ra đại dương. Phần lớn chất thải nhựa làm ô nhiễm sông và biển ở Việt Nam là đồ nhựa dùng một lần, có giá trị thấp như: Túi nylon, hộp đựng thức ăn bằng xốp và ống hút,...
Báo cáo trên cũng cho thấy chất thải nhựa là loại phổ biến thu gom được trong các khảo sát thực địa, chiếm 94% về số lượng và 71% trọng lượng.
Trong đó, phần lớn rác thải nhựa rò rỉ ra đại dương là bao bì thực phẩm mang đi (chiếm 44% về số lượng), chất thải liên quan nghề cá (chiếm 33%) và rác thải hộ gia đình (chiếm 22%). Cùng với túi nhựa, hộp xốp đựng thực phẩm được xác định là một trong năm loại nhựa hàng đầu ở cả các địa điểm ven sông và ven biển...
Về số lượng rác, báo cáo ghi nhận 10 loại nhựa phổ biến nhất chiếm hơn 81% tổng số đồ nhựa thu gom được ở các địa điểm khảo sát ven sông và hơn 84% ở các địa điểm ven biển. Điển hình như mảnh nhựa mềm, lưới ngư cụ, túi nylon sử dụng một lần, hộp xốp đựng thức ăn, ống hút, mảnh nhựa cứng, bao bì vỏ bim bim,...
Với hiện trạng rác thải nhựa từ đất liền rò rỉ ra biển kể trên, chỉ số bờ biển sạch (CCI) - một công cụ được đơn vị nghiên cứu sử dụng để đánh giá mức độ sạch tương đối của bờ biển, đã chỉ ra 71% các địa điểm ven biển là cực kỳ bẩn.
Nghiên cứu trên cũng dự báo tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đại dương sẽ trở nên tồi tệ hơn; khi đô thị hóa cùng với sự gia tăng dân số nhanh chóng và phát triển kinh tế mạnh mẽ sẽ dẫn đến khối lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng nhanh.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm đại dương do những vật dụng bằng nhựa trên gây ra, World Bank khuyến nghị Việt Nam cần thực hiện cắt giảm dần các sản phẩm liên quan đến đồ nhựa dùng một lần theo từng giai đoạn; đi kèm với đó là việc khuyến khích các sản phẩm thay thế và cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn.