Nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung, cấp cao tiếp tục tăng trưởng
Theo thống kê của Navigos Search, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung, cấp cao từ các khách hàng của Navigos Search trong năm 2017 tăng trưởng 28% so với năm 2016.
Xét riêng quý 4, nhu cầu tuyển dụng các vị trí cấp trung và cấp cao trong quý này tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, những lĩnh vực đứng đầu xu hướng tuyển dụng của phân khúc này bao gồm: Sản xuất, hàng tiêu dùng - bán lẻ, tài chính - ngân hàng và công nghệ thông tin.
Trong ngành sản xuất, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung, cấp cao tập trung trong mảng xây dựng, điện - điện tử và tự động hóa. Đứng ở vị trí thứ 2 về nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung, cấp cao là ngành hàng tiêu dùng - bán lẻ.
Các vị trí tuyển dụng chủ yếu thuộc mảng thực phẩm - đồ uống và thời trang - phụ kiện. Ở vị trí tiếp theo là ngành hàng tài chính - ngân hàng với những vị trí đến từ các ngân hàng, các công ty tài chính tiêu dùng và các công ty bảo hiểm.
Ngành công nghệ thông tin đứng vị trí thứ tư về nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung, cấp cao trong quý 4. Trong ngành này, nhu cầu cao nhất thuộc về mảng dịch vụ công nghệ thông tin & phần mềm.
Đặc biệt, trong năm 2017, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung, cấp cao cho các doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang nhiều nhất từ ngành sản xuất; kế tiếp là ngành công nghệ thông tin.
Theo quan sát của Navigos Search, các công ty Nhật Bản đang đối mặt với sự cạnh tranh từ những công ty nước ngoài khác trong việc thu hút và giữ chân nhân sự.
Dự báo trong năm 2018, tại khu vực phía Bắc, doanh nghiệp Nhật Bản trong ngành sản xuất sẽ tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp trung, cấp cao do sự xuất hiện của các khu công nghiệp mới và nguồn đầu tư lớn từ các công ty sản xuất của Nhật Bản.
Tại khu vực phía Nam, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành công nghệ thông tin và ngành dịch vụ dự báo sẽ tăng trưởng.
Nhiều ngành thiếu nhân sự giỏi
Theo quan sát của Navigos Search, nhân sự trong ngành bất động sản tại Việt Nam hiểu rõ về nghiệp vụ chuyên môn liên quan đến các dự án trong tầm diện tích từ vài hecta đến vài chục hecta.
Tuy nhiên, nhân sự Việt lại chưa có kinh nghiệm trong việc hoạch định và phát triển các “dự án lớn” là những dự án có diện tích trên 1,000 hecta bao gồm việc xây dựng các khu vực kinh tế giãn dân, các thành phố vệ tinh xoay quanh các trục thành phố chính.
Do đó, với những vị trí cấp cao trong mảng này, các doanh nghiệp bất động sản vẫn phải tuyển dụng ứng viên nước ngoài, chủ yếu đến từ Singapore.
Trong ngành bán lẻ, các thương vụ mua bán và sáp nhập vẫn tiếp diễn, đặc biệt là các tập đoàn lớn từ Nhật và Thái Lan đầu tư mua các doanh nghiệp đã có thương hiệu của Việt Nam.
Những thương vụ này mở ra các cơ hội mới cho thị trường nhân sự Việt Nam tiếp cận với cách làm việc và quản lí chuyên nghiệp hơn, đồng thời cũng tạo ra cơ hội việc làm cho các ứng viên có kinh nghiệm xây dựng và phát triển thị trường.
Tuy nhiên, trong quá trình tiếp cận, các ứng viên cũng gặp những khó khăn nhất định về văn hóa doanh nghiệp và tác phong làm việc.
Trong ngành thời trang, thị trường nhân sự chứng kiến sự dịch chuyển sôi động sau khi các nhãn hàng nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam.
Nhân sự của các nhãn thời trang trong nước bị thu hút và dịch chuyển sang các nhãn hàng mới này. Bên cạnh đó, các nhãn thời trang trong nước dần đi theo xu hướng vận hành của các nhãn thời trang nước ngoài và bổ sung thêm một số vị trí mới như phụ trách trưng bày (Visual Merchandise), thiết kế thời trang, quản lý thương hiệu...