Xử lý tài sản bảo đảm qua thi hành án: Bao giờ ngân hàng mới thu xong nợ?

Hàng chục nghìn hồ sơ thi hành án tín dụng ngân hàng vẫn đang chờ giải quyết. Thậm chí, có vụ việc đủ điều kiện thi hành nhưng đã kéo dài tới 10 năm chưa xong.
Xử lý tài sản bảo đảm qua thi hành án: Bao giờ ngân hàng mới thu xong nợ?

Thi hành án tín dụng đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc do nhiều vụ việc có nguồn gốc tài sản phức tạp, không đầy đủ rõ ràng; nhiều vụ việc có sự tranh chấp quyết liệt, gay gắt giữa các bên... Vì vậy quá trình thu hồi nợ xấu của ngân hàng bằng việc thi hành án dân sự bị kéo dài và chưa đạt kết quả cao.

Ngân hàng mòn mỏi chờ thu hồi nợ qua thi hành án

Tính từ năm 2019 - 2022 tại cục thi hành án dân sự TP.HCM có 16.253 vụ việc vẫn chưa được giải quyết, với số tiền hơn 137.500 tỷ đồng.

Chi tiết tại Agribank, lũy kế đến hết quý 3/2022, toàn hệ thống ngân hàng này đang có 3.291 vụ việc trong giai đoạn thi hành án, với số tiền yêu cầu thi hành là 24.139 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền đã thu hồi mới đạt 4.277 tỷ đồng và số tiền còn phải thu hồi 20.614 tỷ đồng. Qua số liệu trên cho thấy, số vụ việc phải thi hành án của tổ chức tín dụng này còn nhiều và số tiền còn phải thu hồi lớn.

Tình trạng này kéo dài khiến quyền lợi hợp pháp của các tổ chức tín dụng không được bảo đảm, thời gian thi hành án kéo dài, tốn kém chi phí, giảm giá trị thu hồi nợ, làm tăng nguy cơ gây ra tổn thất cho tổ chức cũng như cho xã hội.

Trao đổi với Thương Gia, đại diện Vietcombank cho biết, thời gian thi hành án xử lý tài sản bảo đảm chậm do nhiều vướng mắc. Trong đó, điển hình nhất là sự bất hợp tác của bên chủ tài sản trong tất cả các bước của quá trình thi hành án. Việc chủ tài sản không phối hợp dẫn tới tất cả các khâu trong quá trình thi hành án từ kê biên, bàn giao đều phải thực hiện theo thủ tục cưỡng chế, làm kéo dài thời gian, phải huy động rất nhiều đơn vị tham gia cưỡng chế nhiều lần, gây tốn kém nguồn lực xã hội.

Bên cạnh đó, một số cơ quan thi hành án vẫn chưa thực sự quyết liệt trong việc thi hành án dẫn đến việc kéo dài thời gian giải quyết vụ việc. Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng chủ tài sản liên tục tạo tranh chấp giả về quyền sở hữu tài sản bảo đảm (khởi kiện ra tòa) để lợi dụng quy định kéo dài thời gian khi có tranh chấp về quyền sở hữu.

"Thực trạng này diễn ra ở nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đăk Lăk, Cần Thơ.... thời gian thi hành án thường kéo dài từ 20 tháng, thậm chí có vụ việc thời gian thi hành án đã đến 10 năm vẫn chưa xong", đại diện Vietcombank nói.

Trước thực trạng trên, hầu hết các các ngân hàng đều kiến nghị Tổng cục Thi hành án dân sự thường xuyên phối hợp với tổ chức tín dụng, tổ chức các đoàn công tác để làm việc với các cơ quan thi hành án nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc xử lý tài sản. Đồng thời, đề xuất Chính phủ và Quốc hội gỡ khó các vướng mắc về quy định pháp luật.

Đề xuất sửa pháp luật thi hành án

Tại một cuộc hội thảo gần đây về thi hành án, thừa nhận công tác xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi tiền tài sản cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng còn nhiều hạn chế, ông Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã lý giải nguyên nhân.

Theo ông Thái, một phần do lượng án không ngừng tăng nhanh, trong khi việc bán tài sản thi hành án không dễ. Chưa kể, có nhiều trường hợp tài sản bảo đảm không đủ điều kiện pháp lý, bị sai lệch dẫn đến khi xử lý phải xác minh, họp bàn, trao đổi mất nhiều thời gian, kéo dài việc tổ chức thi hành án.

Để đẩy nhanh thi hành án tồn đọng, hỗ trợ tổ chức tín dụng và VAMC, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp tích cực triển khai nhiều giải pháp khác để đẩy nhanh tiến độ thu hồi các khoản nợ xấu như: Trình chính phủ ban hành Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm (thay thế Nghị định số 102/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm)

Tiếp tục chỉ đạo sát công tác thi hành án tín dụng ngân hàng để đẩy nhanh việc thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng và VAMC, nâng cao kết quả thi hành án chung toàn ngành; theo dõi, kiểm soát chặt chẽ các vụ việc có điều kiện trên 1 năm chưa thi hành xong, các vụ việc tín dụng ngân hàng có điều kiện, 20 tỷ trên 3 năm chưa thi hành xong; Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản năm 2016…

Nợ xấu

Cũng tại cuộc hội thảo trên, các ngân hàng tham gia đều đưa ra một số kiến nghị chung.

Thứ nhất, Tổng cục Thi hành án cần có quy trình thủ tục riêng đối với thi hành án tín dụng, ngân hàng theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, đảm bảo rút ngắn thời gian thi hành án, đẩy nhanh thủ tục kê biên tài sản bảo đảm.

Thứ hai, cơ quan thi hành án chỉ cần thực hiện một lần việc cưỡng chế khi kê biên để có tài sản “sạch”, từ đó tạo thuận lợi cho việc bán đấu giá tài sản cũng như bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá; đồng thời hạn chế sự phụ thuộc vào mức độ hợp tác của bên phải thi hành án trong khi bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Thứ ba, đề nghị Tổng Cục thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp, tập trung chỉ đạo việc phối hợp tổ chức giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, giá trị lớn, phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. 

Thứ tư, đề nghị Cơ quan thường trực Hiệp hội Ngân hàng theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục tăng cường phối hợp, làm việc với Tổng cục thi hành án dân sự để hỗ trợ công tác xử lý tài sản, thu hồi nợ vay của các khách hàng tại tổ chức tín dụng.

Xem thêm

Thống đốc NHNN hối thúc đẩy mạnh xử lý nợ xấu

Thống đốc NHNN hối thúc đẩy mạnh xử lý nợ xấu

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yếu cầu Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục triển khai đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu.

Có thể bạn quan tâm

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...