Xử phạt 4 cơ sở kinh doanh phân bón kém chất lượng trong chưa đầy 1 tháng đầu năm

Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tại Tây Ninh và Tiền Giang đã xử phạt 4 cơ sở kinh doanh phân bón kém chất lượng. Tổng số tiền xử phạt lên tới hơn 100 triệu đồng…

Tây Ninh và Tiền Giang đã xử phạt 4 cơ sở kinh doanh phân bón kém chất lượng trong chưa đầy 1 tháng đầu năm

Chưa hết tháng 1/2024, lực lượng quản lý thị trường tại Tây Ninh và Tiền Giang đã xử phạt 4 cơ sở kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng. Trong đó có 3 cơ sở tại Tiền Giang và 1 cơ sở tại Tây Ninh. Các cơ sở vi phạm hiện đều đã hoàn thành việc nộp tiền phạt theo quy định.

Cơ sở đầu tiên bị xử phạt tại Tiền Giang có số tang vật vi phạm lên đến 1,5 tấn phân bón có trị giá 27 triệu đồng. Do vụ việc vượt thẩm quyền xử phạt của đội trưởng nên sau khi lập biên bản vi phạm, đội quản lý thị trường số 1 đã trình lên Cục Quản lý thị trường tỉnh.

Ngày 3/1, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh phân bón ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

Trong quá trình kiểm tra, lực lượng quản lý đã phát hiện tại đây kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có thực hiện niêm yết giá nhưng niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng. Đoàn kiểm tra cũng lấy 1 mẫu phân bón gửi thử nghiệm và kết quả mẫu này có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Hộ kinh doanh này đã vi phạm 2 hành vi gồm niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng và buôn bán phân bón không đảm bảo chất lượng. Với 2 lỗi trên, cơ sở đã bị phạt gần 35 triệu đồng. Đến thời điểm này, cơ sở đã nộp tiền phạt theo quy định.

Cũng tại huyện Châu Thành, ngày 4/1, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã xử phạt 1 hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp tổng số tiền hơn 45 triệu đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm là 40 triệu đồng. Đến thời điểm này, cơ sở đã thực hiện xong quyết định xử phạt.

Theo đó, ngày 28/11/2023, đội quản lý thị trường số 1 phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành kiểm tra đột xuất tại hộ kinh doanh trên.

Qua quá trình kiểm tra, đoàn ghi nhận cơ sở niêm yết giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng và có lấy 1 mẫu phân bón gửi thử nghiệm chất lượng. Kết quả, mẫu này có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Vụ việc thứ 3 tại Tiền Giang, ngày 15/1, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt đối với đại lý vật tư nông nghiệp ở xã Tân Hội Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang tổng cộng gần 30 triệu đồng, trị giá hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ gần 25 triệu đồng.

Tại thời điểm kiểm tra ngày 13/12, cơ sở đang kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật có niêm yết giá nhưng không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng. Đoàn kiểm tra đã lấy 1 mẫu phân bón gửi thử nghiệm và kết quả mẫu này có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với chỉ tiêu K2Ohh đạt 90%, sai lệch so với mức đăng ký quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng là ≥ 93%.

Mới nhất, ngày 22/1, đội quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh đã ban hành quyết định xử phạt cơ sở kinh doanh phân bón T.S (ấp Bắc Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành) số tiền 20 triệu đồng. Cơ sở này bị xử phạt về hành vi kinh doanh phân bón kém chất lượng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 22,8 triệu đồng.

Tại thời điểm kiểm tra hôm 26/12/2023, đoàn kiểm tra lấy 1 mẫu phân bón gửi thử nghiệm và kết quả mẫu này có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với chỉ tiêu K2Ohh đạt 92,5%, sai lệch so với mức đăng ký quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng là ≥ 93%.

Qua quá trình thẩm tra, xác minh, đội quản lý thị trường số 2 xác định cơ sở đã có các hành vi vi phạm hành chính như buôn bán phân bón khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón, vi phạm quy định tại điều 42 Luật Trồng trọt năm 2018; buôn bán hàng hóa là phân bón có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón do có chỉ tiêu chất lượng chính K2Ohh không đáp ứng chỉ tiêu chất lượng chính (chỉ tiêu chất lượng K2Ohh chỉ đạt 92,5%, quy định mức sai lệch cho phép ≥ 93%).

Bên cạnh việc xử phạt hành chính, cơ sở này phải có trách nhiệm liên hệ với đơn vị sản xuất hàng hóa để thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục. Hàng hóa vi phạm chỉ được phép tiếp tục lưu thông sau khi đã thực hiện khắc phục, đảm bảo chất lượng phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và được cơ quan kiểm tra ra thông báo hàng hóa được tiếp tục lưu thông trên thị trường.

Hiện, chủ cơ sở đã thi hành xong quyết định xử phạt và đã liên hệ với đơn vị sản xuất để thu hồi hàng hóa vi phạm theo quy định.

Có thể bạn quan tâm