Chứng khoán ngày 29/6, thị trường đầu phiên đón nhận thông tin GDP quý 2/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý 2/2020 trong giai đoạn 2011-2023. GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, không như kỳ vọng, rất khó có thể đạt được mức tăng trưởng mục tiêu đã đề ra là 6-6,5%. Quá đó VN-Index sau nhiều phiên có diễn biến rung lắc xoay vòng ở vùng kháng cự đã chịu áp lực bán từ đầu phiên quanh vùng 1.140 điểm, áp lực bán gia tăng mạnh dần cho đến cuối phiên. Kết phiên VN-Index giảm khá mạnh 12,96 điểm (-1,14%) về mức 1.125,96 điểm, lấy đi thành quả tăng điểm 03 phiên trước và đang kiểm tra lại vùng giá 1.125 điểm thời điểm tháng 01/2023. HNX-Index giảm 2,77 điểm (-1,20%) về mức 227,48 điểm. Độ rộng thị trường tiêu cực hơn thể hiện áp lực bán mạnh áp đảo ở nhiều mã với tổng cộng 509 mã giảm giá (10 mã giảm sàn), 134 mã tăng giá (12 mã tăng trần), và 88 mã giữ giá tham chiếu.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết đạt 19.136 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên trước, nhưng duy trì trên mức trung bình cho thấy áp lực chốt lãi, điều chỉnh mạnh diễn ra ở nhiều mã. Nhà đầu tư nước ngoài sau nhiều phiên bán ròng mạnh, mua ròng giá trị 113,61 tỷ đồng trên HOSE, bán ròng trên HNX với giá trị 5,82 tỷ đồng.
Thị trường chịu áp lực bán mạnh khi tăng trưởng GDP không như kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng kém, trong đó nhóm cổ phiếu bất động sản nhiều mã chịu áp lực bán mạnh, thanh khoản đột biến như QCG (-6,95%), TDC (-6,93%), DIG (-5,80%), NBB (-5,19%), NTL (-4,67%)...
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán có tương quan cao với VN-Index cũng chịu áp lực bán mạnh vào cuối phiên, thanh khoản vượt mức trung bình với FTS (-5,42%), AGR (-5,08%), BVS (-4,84%), VCI (-4,47%), VIX (-4,47%)...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau phiên tăng điểm tích cực, cũng chịu áp lực điều chỉnh với thanh khoản ở mức trung bình góp phần tạo áp lực giảm điểm của VN-Index như VAB (-3,61%), HDB (-2,13%), TCB (-1,95%), SHB (-1,95%)... ngoài EIB (+0,96%), VCB (+0,79%), PGB (+0,72%)
Trong khi đó nhóm cổ phiếu thép với HPG (-3,01%) sau phiên tăng mạnh cũng chịu áp lực bán với khối lượng gia tăng hơn, các mã còn lại tiếp tục chịu áp lực bán mạnh hơn như NKG (-4,96%), SMC (-4,68%), POM (-4,61%), LTH (-4,19%)...
Các cổ phiếu nhóm ngành khác đa số đều chịu áp lực điều chỉnh vùng với thị trường chung như xây dựng FCN (-2,50%), VCG (-2,11%), C4G (-1,45%)... khu công nghiệp với TIP (-2,95%), SZC (-2,70%), PHR (-2,51%), IDC (-2,30%)... cảng biển, logistic như VOS (-2,70%), SGP (-2,45%), HAH (-2,40%)... dầu khí, vận tải dầu khí với PVP (-4,11%), VIP (-2,69%), PVS (-0,61%), PVD (-0,41%)...
Quay về vùng 1.115-1.120 điểm
Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên hình thành mô hình nến Bearish Engulfing xóa bỏ đi toàn bộ nỗ lực tăng điểm của 4 phiên trước đó. Xét về khung đồ thị ngày, sau khi chạm band trên của dải Bollinger band, VN-Index đảo chiều giảm điểm, kèm theo đó là tín hiệu tạo đỉnh của 2 chỉ báo MACD và RSI.
Với diễn biến hiện tại, thị trường có thể sẽ quay về kiểm tra khu vực hỗ trợ cũ quanh 1.115 – 1.120. Đây cũng sẽ là khu vực hỗ trợ gần nhất cũng là nơi giao cắt với đường trung bình động MA20.
Thị trường hoàn toàn có thể sẽ có những phiên bật hồi tại khu vực này nhưng khuyến nghị các nhà đầu tư nên thu gọn danh mục, giữ tâm lý thận trọng thay vì việc giải ngân bắt đáy sớm. Nếu không giữ vững được vùng điểm này thì xác suất VN-Index hình thành nhịp UTAD (UpThurst after distribution) và quay lại vùng sideway là cần được tính đến.
Mở vị thế mua
Chứng khoán KIS
Thị trường chứng khoán tiếp tục tăng với phiên tăng thứ 7 liên tiếp cùng với thanh khoản được cải thiện. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng của giới đầu tư vẫn hiện hữu khi các thông tin về Báo cáo tài chính quý 2/2023 sắp được công bố.
Đóng cửa, VN-Index tăng 0,35% lên mức 1.138 điểm trong khi VN30-Index cũng tăng 0,59% chạm ngưỡng 1.141 điểm.
Khối lượng giao dịch đạt 870 triệu cổ phiếu/ 17.904 tỷ đồng, tăng tương ứng 3% và 4% so với trung bình 5 phiên gần nhất.
Thị trường chứng khoán duy trì đà tăng khi chỉ số VNIndex vẫn duy trì kết thúc trên đường trung bình động 10 kỳ, cho thấy những tín hiệu tích cực. Do đó, nhà đầu tư nên mở các vị thế mua và tập trung vào các cổ phiếu dẫn dắt.
Nên thận trọng
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)
Thị trường lùi bước và nỗ lực hỗ trợ cuối phiên cũng không thành như các phiên trước. VN-Index đóng cửa dưới ngưỡng 1.130 điểm và thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy nguồn cung tiếp tục gây sức ép lên thị trường.
Quán tính giảm giá vẫn tồn tại ở nhiều cổ phiếu nên khả năng giảm điểm của thị trường vẫn còn. Dự kiến thị trường sẽ kiểm tra lại vùng 1.110 – 1.120 điểm của VN-Index, tại vùng này có thể thị trường sẽ có phản ứng hồi phục trở lại để kiểm tra lại nguồn cung. Tạm thời vẫn cần lưu ý áp lực cung từ vùng cản 1.135 điểm.
Nhà đầu tư cần chậm lại và quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá lại trạng thái của thị trường. Tạm thời nên thận trọng và cân nhắc rủi ro khi mua mới. Đồng thời cần cân nhắc khả năng hồi phục để chốt lời hoặc giảm tỷ trọng các cổ phiếu đang chịu áp lực bán từ vùng cản để giảm thiểu rủi ro cho danh mục
Hệ số P/E của VN-Index hiện tại đang ở mức 15,5x.
Chứng khoán Mirae Asset
Ngược với phiên tăng điểm trước, thị trường mở cửa thận trọng và nhanh chóng chìm vào sắc đỏ. Bất chấp cho mọi nỗ lực phục hồi trong phiên, VN-Index chịu áp lực chốt lời mạnh và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.
Kết phiên, VN-Index giảm 12,9 điểm (tương đương 1,14%) dừng ở mốc 1.125 điểm. Thanh khoản tăng hơn 8% so với phiên trước với tổng khối lượng khớp lệnh hơn 839 triệu cổ phiếu, tương đương 15.877 tỷ đồng về giá trị.
Phiên giảm điểm khiến cho điểm số đánh giá kỹ thuật giảm từ mức +7 xuống +2, với trạng thái đánh giá trong ngắn hạn là trung tính. Hệ số P/E của VN-Index hiện tại đang ở mức 15,5x.
Ngưỡng kháng cự 1.150
Chứng khoán VNDirect
Thị trường xuất hiện áp lực chốt lời sau 7 phiên tăng điểm liên tiếp, độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về sắc đỏ với tỷ lệ 75% mã giảm. Chỉ số VN-Index đóng cửa tại mức 1.125,39 điểm (-12,96 điểm ~1,14%).
Khối ngoại mua ròng 114 tỷ đồng tập trung ở HPG (181,7 tỷ), VNM (82,3 tỷ), VHM (37,7 tỷ), CTG (27,3 tỷ). Ở chiều ngược lại, lực bán tập trung ở DGC (-39,2 tỷ), VND (-26,3 tỷ). VN-Index có một phiên bán mạnh mẽ với số điểm giảm sâu trong lịch sử 1 tháng trở lại. Một lần nữa chỉ số quay trở lại kiểm định MA9 khi lực hồi phục trước đó không có thanh khoản hỗ trợ.
Các nhà đầu tư nên chuẩn bị kịch bản mua cổ phiếu ở các vùng hỗ trợ MA20, MA50 hoặc thậm chí là MA200. Với những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy trong nhịp điều chỉnh của thị trường cần đặc biệt lưu ý quản trị rủi ro để tránh những tai nạn giao dịch không đáng có. Ngưỡng hỗ trợ của VN-Index là 1.125 -1.118, kháng cự là 1.150.
Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được Thuonggia trích dẫn nguyên văn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định.